Đa số cái gọi là “nhiệm vụ” được triển khai trong công văn này là những yêu cầu vô bổ. Việc yêu cầu các chủ cơ sở cưa xẻ, chế biến, gia công gỗ trên địa bàn “ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp” còn thật hài hước.
Cái tinh thần đáng kể nhất của công văn này, có lẽ là sự thừa nhận một cách đầy ẩn ý về mối quan hệ của giới buôn bán gỗ trái phép với các cơ quan chính quyền, sự dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản của lực lượng kiểm lâm. Nhưng mặc dù hướng đến nội hàm bản chất của tình trạng phá rừng tràn lan là sự dung túng, tiếp tay của các lực lượng chức năng, công văn của UBND tỉnh Quảng Nam lại không những không đưa ra được đường hướng nào đáng kể, mà ngôn từ cho thấy rõ sự bế tắc về giải pháp.
Yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành kiểm lâm phải ký cam kết không dung túng, bao che, tiếp tay cho đối tượng phá rừng… khiến người ta quá thất vọng về “quan trí”. Công dân được làm những gì luật pháp không cấm, cơ quan công quyền chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Điều 80 luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của kiểm lâm như sau: “Kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, lưu thông, vận chuyển, kinh doanh lâm sản; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”.
Vậy tại sao phải yêu cầu công chức kiểm lâm ký cam kết không tiếp tay cho lâm tặc? Ký để làm gì? Không được dung túng, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, nói chung, hành vi phá rừng nói riêng là quy định pháp luật. Bất kỳ công chức nào vi phạm điều này đều phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Không lẽ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không hiểu điều tối thiểu này? Có một thực tế rằng, không chỉ ở Quảng Nam, mà đằng sau những vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép ở bất kỳ tỉnh nào, từng bị phát hiện, cũng đều có bóng dáng của lực lượng kiểm lâm.
Nhưng thay vì thúc đẩy hay xác định trách nhiệm của các chủ thể, thì văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam lại biến những chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng thành trò đùa, vô bổ. Nếu thật sự quyết tâm dẹp nạn phá rừng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác nói chung, chỉ cần phát đi thông điệp rằng: bất luận nơi nào để mất rừng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo kiểm lâm phải bị cách chức ngay lập tức và thực hiện nghiêm chỉ đạo đó. Nhà nước trả lương cho các anh để bảo vệ rừng, mà nay các anh tiếp tay cho lâm tặc phá rừng thì cần phải bị nghiêm trị theo quy định pháp luật, chứ không cần “cam kết” nào cả.
Không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, nguyên tắc này nên được áp dụng trong mọi lĩnh vực đời sống, để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật cũng như sự chính trực của lực lượng công quyền.
Bình luận (0)