Khi có dịch sởi, cần hạn chế tập trung đông người

Liên Châu
Liên Châu
01/09/2024 08:03 GMT+7

Về việc công bố dịch tại địa phương, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết công bố dịch phụ thuộc vào 2 tiêu chí: yếu tố về chuyên môn và khả năng đáp ứng của địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng

UBND TP.HCM ngày 27.8 ban hành quyết định về công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo Cục Y tế dự phòng, về tiêu chí chuyên môn, TP.HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi theo quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và theo căn cứ tại Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Việc công bố dịch là do địa phương tự quyết định và còn căn cứ vào khả năng đáp ứng của TP. Mặc dù ngay từ đầu TP.HCM đã chuẩn bị tốt các kịch bản có thể xảy ra và đã có kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này, tuy nhiên TP cần tiếp tục huy động thêm nguồn lực và triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Khi có dịch sởi, cần hạn chế tập trung đông người- Ảnh 1.

Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM

Ảnh: Du Yên

Theo quy định của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TP.HCM cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sau khi công bố dịch như: thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh, cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.

Đối với các địa phương khác, Cục Y tế dự phòng khuyến nghị cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin; tổ chức tiêm bù, tiêm vét và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi.

Chủ động phòng bệnh như thế nào ?

Đối với người dân, Cục Y tế dự phòng lưu ý cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh về để chủ động các biện pháp phòng bệnh, không để xảy ra tình trạng hoang mang, lo lắng; đồng thời chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người.

Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não… là các biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi, có thế dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai cũng có thể gây ra sẩy thai, đẻ non.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi và các biến chứng của sởi.

Khi có ca mắc sởi, cần cách ly chăm sóc riêng bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban.

Vi rút sởi có khả năng lây truyền cao qua đường hô hấp, nên khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, hóa chất sát trùng...

Không có trường hợp người lành mang vi rút sởi

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.

Bệnh sởi rất dễ lây, những người chưa được tiêm vắc xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi trước đó thì khả năng mắc bệnh sởi là rất cao nếu có tiếp xúc với người bệnh.

Không có trường hợp người lành mang vi rút sởi. Khi nhiễm vi rút sởi thì sẽ bị mắc bệnh sởi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.