Tuần lễ tiêm chủng thế giới hằng năm là sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức cùng nhau hành động để trẻ em và cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, giúp mọi người sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Tuần lễ tiêm chủng năm 2024 diễn ra cùng thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) toàn cầu.
Bộ Y tế cho biết: Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại VN, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO và UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2024 với hơn 1,134 triệu liều vắc xin do chính phủ Úc tài trợ thông qua WHO.
Theo Bộ Y tế, hơn 7 tháng năm nay, trong nước ghi nhận 1.695 ca phát ban nghi sởi, 676 ca dương tính sởi. Năm 2023, có 246 ca phát ban nghi sởi và 30 ca dương tính. Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm vắc xin sởi sẽ triển khai tại 135 quận, huyện của 18 tỉnh, thành; và triển khai ngay khi có vắc xin, dự kiến từ tháng 9.2024. Vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 - 10 tuổi và nhân viên y tế chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định hiện làm việc tại các cơ sở điều trị bệnh nhân sởi.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Với các tỉnh, thành chưa thuộc phạm vi triển khai chiến dịch, cần phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục rà soát các đối tượng, thực hiện đánh giá, xác định vùng nguy cơ để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch tiêm chủng chiến dịch vắc xin phòng chống dịch sởi trên địa bàn trong trường hợp cần thiết.
Tại VN hiện có 11 bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong TCMR gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella, bệnh tiêu chảy do vi rút rota.
HCDC: bệnh sởi tăng cao do gián đoan tiêm chủng mở rộng
Hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ VN. Kết quả của TCMR đã góp phần quan trọng trong thành quả thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005; giảm rõ rệt tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chương trình TCMR cung cấp vắc xin miễn phí và được triển khai ở tất cả tỉnh, thành. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch bổ sung vắc xin phòng bệnh do phế cầu, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do vi rút HPV…
Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục - Đào tạo rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non, học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo an toàn; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch…
Xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm
Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, các bệnh viện cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác triển khai vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu; phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn.
Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, để người dân hiểu đúng lợi ích, hiệu quả của vắc xin, tầm quan trọng của tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tích cực đưa con em đi tiêm chủng.
Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI)… tiếp tục đồng hành, hỗ trợ công tác TCMR VN.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Bình luận (0)