Thông tin được Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), chia sẻ tại "Hội thảo Cung cấp thông tin báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân 2023" diễn ra chiều 22.12.
Trong đó, dự kiến vắc xin Rota (phòng tiêu chảy) sẽ được triển khai tiêm từ quý 1/2024 tại 33 tỉnh thành.
Trong năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng đã thực hiện khoảng 20 triệu mũi tiêm cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc có 11.000 điểm cố định, nếu tính cả điểm lưu động có 15.000 điểm.
12 mục tiêu tiêm chủng mở rộng đạt được trong năm qua như không để bại liệt quay trở lại, tỷ lệ huyện duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh đạt 100%, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván trên 85%,...
Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và tiếp tục thực hiện tốt chiến lược bảo vệ thành quả. Năm 2005, Việt Nam được quốc tế công nhận đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh, từ đó đến nay thực hiện tốt duy trì thành quả. Đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỷ lệ cao trên 95%. Chất lượng tiêm chủng được nâng cao với hệ thống dây chuyền lạnh được củng cố.
Trước tình trạng thiếu hụt vắc xin 5 trong 1, bà Hồng cho biết hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vắc xin DPT-VGB-Hib để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024 do chính phủ Úc viện trợ. Ưu tiên trẻ từ 2 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm mũi 1 vắc xin DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng, ưu tiên trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib gồm cả trên 12 tháng.
Trong năm 2023, ngành y tế triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học. Hoạt động này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng chống dịch, tiết kiệm nguồn lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.
Một số khó khăn thách thức của chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo bà Hồng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiếu nhân lực tạm thời trong giai đoạn cao điểm triển khai các biện pháp chống dịch và triển khai vắc xin phòng Covid-19 đến hầu hết các hoạt động tiêm chủng thường xuyên.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, cho trẻ 18 tháng chưa đạt chỉ tiêu do khó khăn trong quản lý đối tượng (vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đô thị, khu công nghiệp...), vận động người dân đưa con đi tiêm chủng, thiếu một số loại vắc xin cục bộ.
Tích lũy các trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin sởi mũi 1 và rubella có nguy cơ gây dịch thời gian tới trong bối cảnh bệnh sởi vẫn diễn biến chu kỳ 3-4 năm.
Nhu cầu sử dụng vắc xin giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, làm gia tăng hệ số sử dụng vắc xin, công tác điều phối vắc xin giữa các tuyến gặp khó khăn, đặc biệt các loại vắc xin có hạn sử dụng ngắn.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin hiện có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giữ gìn sổ tiêm chủng của trẻ, tải ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử để theo dõi, tra cứu lịch tiêm chủng của con mình.
"Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, phụ huynh cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của trẻ khi cán bộ y tế khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng. Theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm chủng và trong vòng 1 ngày tại nhà, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường hoặc khi bà mẹ cảm thấy lo lắng", Phó giáo sư Hồng chia sẻ.
Bình luận (0)