Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng trên cả nước
Theo thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP.HCM, đến cuối tháng 11, trên địa bàn TP.HCM không còn nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, TP.HCM không còn các vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván); IPV (bại liệt tiêm); DPT-VGB-Hib (SII) - vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Các vắc xin khác gồm: sởi, bOPV, BCG, MR, uốn ván, viêm não Nhật Bản còn lại rất ít.
Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng đang diễn ra trên cả nước. Nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, năm 2023, thực hiện luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Để khắc phục tình trạng hết và thiếu hụt vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10.7, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5.8 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục.
Trong đó, với vắc xin có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vắc xin), Bộ Y tế đã rà soát các quy định và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng.
Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể và giao Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vắc xin để tiếp nhận vắc xin, thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.
Đối với vắc xin "5 trong 1" phải nhập khẩu, Bộ Y tế đã giao NIHE thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của luật Đấu thầu.
TP.HCM thiếu nhiều vắc xin, nguy cơ bùng dịch nguy hiểm
Thêm 490.600 liều vắc xin "5 trong 1" viện trợ trong tháng 12
Theo bà Hương, trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế cũng đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vắc xin từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước đó, cuối tháng 8, được sự viện trợ, tài trợ từ Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác, Bộ Y tế đã tiếp nhận 258.000 liều vắc xin "5 trong 1". Số vắc xin này đã được phân bổ và tiêm cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng trong tháng 9 - tháng 10.
Dự kiến tháng 12 này, có thêm 490.600 liều vắc xin "5 trong 1" về Việt Nam, là nguồn do Chính phủ Úc viện trợ.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lập kế hoạch cung ứng vắc xin trong năm 2024, đảm bảo nguồn cung; chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan.
Hiện, NIHE, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương, khi có vắc xin cung cấp bổ sung.
Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách T.Ư để đảm bảo kinh phí mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bình luận (0)