Là 1 trong 4 đầu bếp duy nhất ở Vương quốc Anh bảo vệ được danh hiệu nhà hàng 3 sao Michelin, linh hồn của những chương trình truyền hình hấp dẫn như Master Chef hay Hell's Kitchen, ít ai nghĩ rằng có 1 ngày chef Gordon Ramsay lại bại trận trước những "cao thủ" đường phố Singapore.
>> Cà phê vỉa hè Sài Gòn sắp biến mất?
>> Từ quyết định ra đi của Phở 24
|
Văn hóa "hawker center" độc đáo của Singapore
Ẩm thực đường phố Singapore - "street hawker", phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn hậu Thế Chiến thứ 2. Đây là một ngành nghề phổ biến và phù hợp cho mọi giới bởi chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận lại cao. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, toàn bộ đảo quốc Singapore có hơn 24.000 hộ kinh doanh ăn uống tự do theo kiểu này.
Tuy nhiên mô hình kinh doanh tự do này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro: các chuẩn mực an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn cung cấp, thất thoát về thuế... cũng như lượng chất thải khổng lồ từ các món ăn.
Chính phủ Singapore đã có 1 quyết định hết sức đúng đắn vào thời điểm đó là di dời tất cả các hộ kinh doanh ăn uống vào những khu vực có quy hoạch bài bản nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời các hộ bắt buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh như một biện pháp chống thất thu thuế. Chiến dịch này được hoàn tất vào cuối năm 1969.
Cho đến nay, toàn đảo quốc Singapore đã có hơn 140 "hawker center" - khu ăn uống, tạo nên một diện mạo ẩm thực hết sức thú vị. Thực khách có thể thưởng thức những món ăn đường phố hấp dẫn, đồng thời hoàn toàn an tâm về những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chính phủ Singapore đã có rất nhiều hoạt động để bảo tồn và duy trì văn hóa kinh doanh độc đáo này.
Thử thách "Người hùng hawker" với vua đầu bếp Ramsay
|
Văn hóa "hawker center" hấp dẫn đến mức đôi khi cư dân Singapore tự hỏi: "Liệu những đầu bếp đẳng cấp thế giới như Gordon Ramsay có nấu những món đặc trưng của đảo quốc này ngon bằng các đầu bếp địa phương hay không?". Và để trả lời câu hỏi đó, chính Ramsay đã nhận lời "thách đấu" với 3 đầu bếp tài hoa nhất của Singapore trong sự kiện mang tên "Thử thách Người hùng hawker" (Hawker Hero Challenge).
Được tổ chức bởi nhà mạng lớn nhất Singapore là Singtel, hiệu ứng của chương trình lan truyền rất nhanh trên đảo quốc này cũng như lan tỏa mạnh mẽ đến các nước trong cùng khu vực. Khởi đầu là câu khẩu hiệu ấn tượng "It's Singapore VS Ramsay" (Singapore đối đầu với chef Ramsay) cùng đoạn clip ngắn mà trong đó Ramsay lạnh lùng tuyên bố: "Tôi chấp nhận lời thách đấu!" như phong cách thường thấy.
Người dân Singapore được quyền bầu chọn những đầu bếp cùng món ăn mà họ yêu thích nhất để tham gia thử thách ở bất cứ nơi nào, từ màn hình xe buýt, trạm xe điện ngầm cho đến các thiết bị di động... Cuối cùng, 3 món ăn đặc trưng của Singapore được chọn là "mì càri Laksa", "cơm gà Hải Nam" và "cua sốt ớt".
|
Trong suốt ngày "quyết đấu" 7/7 vừa qua, Ramsay đã nấu 3 món trên và thực khách sau khi đã nếm thử sẽ chấm điểm cho từng món ăn.
Qua hơn 1.000 lượt bình chọn, Ramsay chiến thắng ở món "cua sốt ớt" nhưng đã hoàn toàn gục ngã ở 2 món còn lại là "mì càri Laksa" và "cơm gà Hải Nam".
Vậy là, một trong những đầu bếp hàng đầu của thế giới đã không thể nấu những món Singapore ngon bằng... người Singapore. Một thử thách có thể xem là hơi kỳ cục, tuy nhiên cũng gợi nên rất nhiều điều thú vị
Một cách quảng bá hình ảnh quốc gia hiệu quả
|
Có thể xem "Thử thách Người hùng hawker" là một chương trình truyền hình thực tế khá thành công khi đã kết hợp hài hòa văn hóa ẩm thực Singapore, một quốc gia nhỏ bé với chỉ hơn 5 triệu dân cùng lịch sử lập quốc ngắn ngủi, với hình ảnh của một cá nhân - đầu bếp 3 sao Michelin Ramsay đẳng cấp thế giới.
Nếu nhìn nhận đầy đủ, đây không hẳn là một thử thách hay cuộc thi, mà chỉ đơn thuần là một chiến dịch quảng bá cho văn hóa ẩm thực Singapore.
Thông qua sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội mà cụ thể là Facebook, Twiiter hay Youtube, hình ảnh phong phú của ẩm thực Singapore đã gần gũi với bạn bè năm châu hơn. Và tất nhiên không thể không nhắc đến sức hút của Gordon Ramsay, vị đầu bếp nổi tiếng nhất nhì thế giới.
Đây quả thật là chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia hết sức hiệu quả của chính phủ Singapore. Chỉ vài phút sau khi clip Ramsay "nhận lời" thách đấu với Singapore được tung ra, đã có hàng trăm ngàn lượt chia sẻ hình ảnh và clip của vị giám khảo Masterchef và Hell's Kitchen đang rất được yêu thích này bên cạnh các món ăn đặc trưng của Singapore.
Dù cho kết quả cuộc thi là như thế nào đi nữa, thì chính phủ Singapore cũng đã "ghi điểm" trong chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới. Điều mà Việt Nam, với nền văn hóa ẩm thực phong phú hơn rất nhiều, vẫn chưa thể làm được.
Đặng Vũ
Bình luận (0)