Khi học sinh chỉ biết... tự an ủi nhau

24/10/2015 06:54 GMT+7

Với áp lực từ học hành thi cử, sự tác động đa diện từ các trang mạng xã hội trong bối cảnh văn hóa mở, sự thay đổi chóng mặt của các chuẩn mực đạo đức... học sinh hiện nay rất cần được sự giúp đỡ của việc tư vấn tâm lý.

Với áp lực từ học hành thi cử, sự tác động đa diện từ các trang mạng xã hội trong bối cảnh văn hóa mở, sự thay đổi chóng mặt của các chuẩn mực đạo đức... học sinh hiện nay rất cần được sự giúp đỡ của việc tư vấn tâm lý.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế, bài toán này đang bất cập về lời giải...
Khảo sát một vòng trên Facebook của học sinh (HS), chúng tôi bắt gặp vô số những giãi bày tâm sự về việc học hành, tình bạn, về chuyện buồn gia đình, cả những băn khoăn về nghề nghiệp... Có thể thấy, khi có vấn đề về tâm lý, đa số HS coi những lời sẻ chia của bạn bè trên các trang mạng xã hội là "liều thuốc" về tinh thần hoặc tìm đến bạn thân để thủ thỉ riêng với nhau. Đáng lo nhất là cũng có nhiều HS tự giấu kín ẩn khuất trong lòng để tự tìm cách hóa giải.
Những phản ứng trên cho thấy một số gia đình chưa phải là chỗ dựa tinh thần cho HS. Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của một trường THPT tại Q.Tân Bình, TP.HCM lấy làm tiếc về một học trò của mình bị rớt kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi. Giáo viên này kể: “Ngay thời điểm nước rút ôn thi, khi thấy em nghỉ học nhiều, tôi đã gọi điện về cho mẹ em thì được nghe hồi đáp: Tôi mệt mỏi lắm rồi thầy ơi! Bây giờ tôi không quan tâm gì đến nó nữa. Nó muốn làm gì thì làm”. HS này thì nói rằng rất buồn chuyện gia đình vì mẹ em không hiểu chút nào cho em…
Nhiều phụ huynh lại vô tư nghĩ nhà trường là nơi quyết định tất cả đến sự trưởng thành của con em họ... Thế nhưng thực tế việc tư vấn tâm lý học đường hiện nay còn nhiều bất cập. Hầu hết các trường chưa có nhân viên tư vấn chuyên nghiệp, phòng tư vấn phải ghép chung với bộ phận khác như văn phòng đoàn, phòng y tế… Chính vì thế, mặc dù nhiều trường đã cố gắng cải thiện, song đối tượng chính là HS thì vẫn quay lưng, vẫn còn rụt rè e ngại, vẫn chưa đặt hết lòng tin vào hoạt động này nên chưa chịu trải lòng.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên đưa việc tư vấn tâm lý cho HS vào thành một hoạt động giáo dục bắt buộc, thay vì chủ yếu trên cơ sở tự nguyện như hiện nay. Cần cơ cấu vào chương trình giáo dục, biên chế cho đội ngũ nhân viên tư vấn ở nhà trường để hoạt động này trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, kịp thời.
Có như thế mới mong giải quyết được bài toán về sức khỏe tâm thần cho HS trong bối cảnh xã hội ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều trục trặc về vấn đề tâm lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.