Nhiều hành vi, biểu hiện bạo lực của nam giới đôi khi bị phớt lờ
Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện ngày càng nhiều nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình?
Theo tôi, nguyên nhân là do sự phân công lao động trong gia đình đã thay đổi. Nữ giới đã ngày càng được đối xử công bằng hơn. Nhiều người phụ nữ đạt được những thành công không hề kém nam giới dẫn đến thay đổi tiến bộ và tích cực hơn trong suy nghĩ, tư tưởng của họ so với trước đây. Nam giới không thể giữ mãi tư tưởng độc tôn "mình là nhất" được, mà họ cần phải chấp nhận rằng vai trò giới đã được phân công ngày càng bình đẳng.
Thêm vào đó, chúng ta gọi nam giới là "phái mạnh" nên mọi người thường quan niệm việc nam giới bị bạo lực là điều khó xảy ra. Chính vì thế mà nhiều hành vi, biểu hiện bạo lực của nam giới đôi khi bị phớt lờ. Một lý do nữa là nam giới luôn giữ tâm thế ngại ngùng, né tránh khi nói về những vấn đề tiêu cực bản thân đang phải chịu đựng.
Và trong 4 dạng bạo lực gia đình: thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục, thì bạo lực kinh tế và tinh thần là hai dạng phổ biến ở nam giới.
Ông nói rằng "nhiều hành vi, biểu hiện bạo lực của nam giới đôi khi bị phớt lờ", vậy những hành vi nào tưởng chừng không phải nhưng thực chất là bạo lực gia đình, thưa ông?
Trên thực tế, có nhiều hành vi bạo lực bằng lời nói mà nhiều người không nhận thức được đó là hành vi bạo lực, bất kể với nam hay nữ giới.
Một số hành vi phổ biến có thể liệt kê, như chửi rủa, nói kiểu coi thường, khinh bỉ, miệt thị. Hay đay nghiến về những khiếm khuyết của nhau, ví dụ "vô dụng không có việc làm", "kém cỏi nên không kiếm được tiền". Hoặc dọa dẫm khơi lại các lỗi lầm của nhau trong quá khứ, như việc nhắc lại chuyện chồng đã từng ngoại tình chẳng hạn.
Đó là những ví dụ cho thấy có nhiều hành vi tưởng chừng không phải nhưng lại là bạo lực gia đình. Một số hành vi tưởng như vô hại nhưng lại là biểu hiện của bạo lực.
Nam giới bị bạo lực đã không còn là chuyện quá lạ lẫm
Ông có từng chứng kiến, hay từng nghe kể về chuyện nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình hay chưa?
Tôi đã từng nghe kể, thậm chí đã từng chứng kiến nhiều lần. Và chính qua những câu chuyện như vậy, tôi mới càng khẳng định, việc nam giới bị bạo lực đã không còn là chuyện quá lạ lẫm, thậm chí hiện tượng này còn có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến và với các hình thức đa dạng, từ thân thể, tinh thần đến kinh tế, tình dục.
Tôi đã từng chứng kiến có những anh chồng thất nghiệp ở nhà phải chịu những lời nói coi thường, đay nghiến của vợ. Thậm chí, vợ còn thể hiện sự bức xúc và ức chế của mình bằng việc tâm sự với bạn bè qua tin nhắn, cuộc gọi hay với hàng xóm láng giềng, người thân gia đình thông qua các cuộc trò chuyện. Khi người chồng biết được những điều này thì cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, bản thân mình bất lực, chán nản và từ đó gây ra nhiều vấn đề tâm lý bất ổn. Những điều này lại là nguồn cơn dẫn đến không khí gia đình mệt mỏi, hôn nhân rạn nứt.
Khi nam giới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, thì hệ lụy, tổn thương, hậu quả… liệu có khác gì so với nạn nhân là nữ giới hay không?
Mọi người hay quan niệm nam giới là "phái mạnh" và từ đó, chúng ta có những định kiến hay kỳ vọng rằng nam giới sẽ phải là trụ cột gia đình, người "đứng mũi chịu sào" gánh vác mọi vấn đề của cuộc sống.
Bên cạnh đó, bản thân nam giới vẫn luôn mặc định và phấn đấu mình phải là "người chủ" của gia đình, vì thế trong họ sẽ có sự tự trọng và ý thức bản thân nhất định. Chính vì thế, khi bị tổn thương do bạo lực, cách thể hiện của họ đôi khi cũng khiến cho người ngoài khó có thể nhận ra.
Những hệ lụy họ có thể phải chịu đó là sự bất lực, tự ái, cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi không làm "tròn vai" hoặc không được coi trọng. Nhiều nam giới còn cảm nhận rằng, việc mình bị bạo lực là hệ quả của bản thân chưa hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong gia đình, coi đó là điều xứng đáng phải đón nhận. Từ đó, dẫn đến việc những người này mất động lực phấn đấu trong cuộc sống.
'Đàn ông sợ vợ' có phải là nguyên nhân khiến nam giới bị bạo lực gia đình ?
Có quan điểm cho rằng "đàn ông sợ vợ" cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Quan điểm này liệu có đúng?
Hiện tượng "đàn ông sợ vợ" theo cá nhân tôi hiểu thì đó là một biểu hiện của bất bình đẳng trong gia đình. Khi gia đình có sự bất bình đẳng thì đương nhiên cơ hội, điều kiện để xảy ra bạo lực cũng sẽ lớn hơn do lúc đó đang thiếu một nền tảng của sự tôn trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.
Và nếu như việc "sợ vợ" của các anh chồng chỉ là sự tôn trọng, nghe lời, không muốn làm vợ phật ý, thì tôi nghĩ đó là chuyện tốt, nên làm và khuyến khích.
Nhưng nếu "sợ vợ" theo kiểu đánh mất tư cách, ý thức về "cái tôi" của bản thân, vai trò của người chồng trong gia đình thì đương nhiên, việc người vợ thể hiện một cách lấn át, thậm chí có những hành vi, lời nói mang tính bạo lực cũng là điều khó tránh.
Làm thế nào để kéo giảm thấp nhất vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với nam giới nói riêng, thưa ông?
Để hạn chế thấp nhất việc này, theo tôi, cần xây dựng các mối quan hệ gia đình từ nền tảng tôn trọng, bình đẳng nhau.
Các thành viên làm tốt vai trò, chức năng của mình. Với các cặp vợ chồng, cần có sự phân công vai trò rõ ràng: Ai chịu trách nhiệm chính về kinh tế? Ai chịu trách nhiệm chính về đối nội, đối ngoại? Ai phụ trách chính việc nội trợ?...
Mọi thành viên trong gia đình tôn trọng nhau, chia sẻ những khó khăn vất vả, không miệt thị, coi thường khi có thành viên chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Đặc biệt, các thành viên cần chủ động tìm cách thấu hiểu, chia sẻ với nhau, sẵn sàng ngồi lại để cùng giải quyết những bất đồng, tránh việc giải quyết vấn đề thông qua bạo lực.
Trong trường hợp nảy sinh một số hành vi hay xu hướng bạo lực, cần bình tĩnh ngồi lại giải quyết phân tích, nếu không thống nhất được thì nạn nhân cần tìm trợ giúp từ phía người thân gia đình, chính quyền khu phố, các tổ chức xã hội...
Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi!
Bình luận (0)