Ai cũng có thể trở thành nạn nhân
Chuyên gia tâm lý Đặng Hòa Thu Nhân, Trung tâm tham vấn và trị liệu, tư vấn tâm lý Khải An (TP.HCM), cho biết từng nhận được nhiều lời cầu cứu của nạn nhân bạo lực gia đình là nam giới. "Và tôi nhận ra dù nam giới là người giàu, có địa vị trong xã hội thì cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Có những vị khách nam là người nổi tiếng trên mạng xã hội, luôn xuất hiện với vẻ ngoài hào nhoáng nhưng cũng tìm đến dịch vụ tham vấn tâm lý hôn nhân để nhờ giúp vượt qua những tổn thương khi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình", chuyên gia này cho hay.
Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình một tỉnh ở miền Tây cũng kể: "Tôi có người bạn đang làm phó giám đốc một sở ở tỉnh bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm, sang chấn tâm lý… vì thường xuyên bị vợ bạo lực tinh thần và kinh tế. Nói ra chuyện này để thấy ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, chứ không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, người có công việc ổn định hay đang gặp khó khăn trong cuộc sống".
Anh H.V.Q (35 tuổi), giảng viên một trường đại học ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, ta thán rằng suốt 7 năm hôn nhân là chuỗi ngày sống trong muộn phiền. Nguyên nhân vì bị vợ có hành vi bạo lực gia đình, cụ thể là bạo lực tinh thần và thể chất một cách thường xuyên. "Đó là chuyện quen thuộc vì diễn ra như cơm bữa. Dù biết im lặng là không nên nhưng tôi chẳng phản kháng", anh Q. trải lòng.
Anh Đ.Đ.M (32 tuổi), chủ một cơ sở nha khoa trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, cho biết luôn sống trong ức chế. Vì trong gần 2 năm qua, dù công việc kinh doanh ổn định, có cuộc sống sung túc, không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc…, tuy nhiên anh có nỗi khổ tâm khi bị vợ bạo hành về thể chất. "Kể ra thì nhục nhã thật, nhưng đã nhiều lần tôi bị cô ấy tấn công bằng những hành vi bạo lực thân thể trong lúc nóng giận, mất bình tĩnh", anh M. tâm sự và chia sẻ thêm: "Tôi cũng liên tục bị cô ấy chửi "vô dụng" vì chỉ biết sinh con gái, không thể cho cô ấy một đứa con trai như kỳ vọng".
Nếu bị bạo lực gia đình...
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), trong cuộc sống hiện đại, trách nhiệm, gánh nặng đè lên vai của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Để rồi từ đó, nhu cầu giảm thiểu những căng thẳng, ức chế tăng cao. Hệ lụy xảy ra là dẫn đến việc ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Chỉ một vài khoảnh khắc mất bình tĩnh thì bạo lực có thể xảy ra.
Anh Thịnh nói: "Đã đến lúc cần phải thay đổi định kiến rằng chỉ có nữ giới mới là nạn nhân của bạo lực gia đình. Thay vào đó, cần hiểu một cách đúng đắn là bất kể ai và dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Cũng cần phải hiểu đúng, chẳng phải là có sự dịch chuyển nạn nhân của bạo lực gia đình từ nữ sang nam giới, mà sự gia tăng đối với nạn nhân là "đấng mày râu". Con số do Bộ LĐ-TB-XH thông tin là minh chứng rõ nét. Điều này, mang đến nhận thức rằng nam giới cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình và cần được bảo vệ".
"Tuy nhiên, để được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, thì nạn nhân là nam giới cần phải can đảm nói lên tâm tư của họ. Nếu bị bạo lực gia đình, không nên chọn cách im lặng, che giấu hay chịu đựng mà cần có những phản ánh đến các cơ quan chức năng để được can thiệp và bảo vệ", anh Thịnh nói thêm.
Anh Đinh Hồng Nhân (31 tuổi), ngụ Q.8, TP.HCM, chia sẻ: "Từ trước đến nay, thường có quan niệm cho rằng chỉ có phụ nữ mới trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Để rồi nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp, kinh tế… thường chỉ đề cập việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia phòng, chống bạo lực gia đình cho "phái đẹp". Trong khi đó, nam giới cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự nên cần phải quan tâm đến cả phái nam".
Cũng theo anh Nhân, khi bước vào cuộc sống hôn nhân thì hai vợ chồng đều phải tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, cũng như có những hành xử chuẩn mực chứ tuyệt đối không thể xúc phạm, coi thường nhau. Khi hai vợ chồng hiểu được điều đó sẽ góp phần giúp hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình. (còn tiếp)
Một đứa trẻ khi phải sống trong bạo lực gia đình…
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, gia đình là môi trường đầu tiên và lâu dài nhất giúp đứa trẻ hình thành và phát triển nhân cách. Chính vì thế, những đứa trẻ sống trong gia đình thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và tổn thương, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Những đứa trẻ sống trong gia đình xảy ra bạo lực sẽ có xu hướng trở nên cộc tính, dễ có những hành vi hung hăng, gây tổn thương cho chính mình và người khác. Những đứa trẻ này sẽ dễ hình thành lối suy nghĩ giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Khi chúng thấy bố mẹ đánh nhau, cãi vã, chửi rủa nhau... thì sẽ mất đi ý thức cần tôn trọng người khác và sẽ dễ có xu hướng nói những lời gây tổn thương. Nhiều đứa trẻ thậm chí sẽ cảm thấy xấu hổ với bạn bè, người khác khi thấy gia đình mình không hạnh phúc, bố mẹ chẳng yêu thương nhau. Nhiều em sống trong hoàn cảnh chứng kiến bạo lực với thời gian dài có thể dẫn đến trầm cảm, cô lập xã hội, chán học...
Bình luận (0)