Hôm 23.1, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương). Tại tòa, bị cáo Hùng giao nộp cho HĐXX một bản trình bày của phạm nhân tên Kiên, người được cho là ở cùng buồng giam với bị cáo Hùng. Nội dung bản trình bày cho rằng cơ quan điều tra đã mớm cung người khác để khai rằng ông Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng. Tuy nhiên, tài liệu này đã bị HĐXX bác bỏ, vì không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được thu thập theo trình tự tố tụng, không xác định được nguồn Chứng cứ, nên không được xem xét là chứng cứ trong vụ án.
Trước đó, tháng 11.2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến bị cáo Phan Văn Anh Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) và bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Đông Á Bank). Theo thông báo từ chủ tọa, luật sư (LS) của bị cáo Vũ muốn cung cấp chứng cứ mới liên quan đến vụ án, tuy nhiên sau khi nhận và xem xét các chứng cứ này, HĐXX thấy đây là các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án. LS còn nộp thêm một số tài liệu có tiếng nước ngoài, không phù hợp với pháp luật VN, đồng thời chỉ là bản photocopy, nên tòa không chấp nhận.
Từ 2 trường hợp nêu trên, nhiều người đặt câu hỏi: Chứng cứ nào thì mới được coi là hợp pháp, LS hoặc bị can, bị cáo muốn giao nộp chứng cứ thì cần làm gì để được chấp nhận và xem xét?
Khi nào chứng cứ được coi là hợp pháp?
Chứng cứ là gì, vì sao tòa bác bỏ?
LS Hà Công Tâm (Đoàn LS TP.Hà Nội) dẫn chiếu điều 86 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Khoản 1 điều 87 bộ luật trên quy định thêm: chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn gồm vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.
Như vậy, chứng cứ có vai trò rất quan trọng, có thể dùng để chứng minh hành vi có tội (buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, như các quy định đã dẫn chiếu, chứng cứ bắt buộc phải thỏa mãn 3 điều kiện, gồm: xác thực, liên quan và hợp pháp; nghĩa là chứng cứ đó phải đảm bảo tính khách quan, có ý nghĩa liên quan đến vụ án và được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định; thiếu một trong 3 điều kiện này thì sẽ không được coi là chứng cứ.
Trở lại 2 vụ án nêu trên, đặc điểm chung khi tòa án không chấp nhận chứng cứ do phía bị cáo hoặc LS cung cấp đều xuất phát từ nguồn gốc của chứng cứ đó. Khoản 2 điều 87 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ: những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Theo LS Nguyễn Thị Kim Vinh (Đoàn LS TP.HCM), nguyên thẩm phán TAND tối cao, lời khai của bị can, bị cáo hoặc phạm nhân đều có thể được coi là nguồn chứng cứ. Nhưng để trở thành chứng cứ, lời khai ấy phải được thu thập hợp pháp và chính thống.
Ví dụ, biên bản trình bày lời khai của phạm nhân thì phải có họ tên, số phạm nhân, thời gian lấy lời khai, ai là người thu thập…; những thông tin này đều phải được xác nhận bởi cơ sở giam giữ đối với phạm nhân đó. Nếu không có xác nhận từ phía trại giam, lời khai sẽ không được coi là chứng cứ để sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Cạnh đó, lời khai còn phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác có trong vụ án.
Làm gì để có chứng cứ hợp pháp?
LS Nguyễn Thị Kim Vinh cho hay LS, bị cáo hoặc người liên quan đều có quyền thu thập và cung cấp chứng cứ. Dù vậy, người cung cấp chứng cứ sẽ phải chứng minh được nguồn chứng cứ, cũng như tính hợp pháp và chính thống của chứng cứ đó.
Ví dụ, file ghi âm, ghi hình phải rõ ghi ở đâu, bằng thiết bị gì, thời điểm nào, có bị cắt xén hay không; biên bản trình bày phải chứng minh được nội dung bên trong do ai khai (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền), người có lời khai phải chịu trách nhiệm về thông tin đã khai… Hoặc trong trường hợp biết được bị cáo khác hoặc phạm nhân khác có thông tin có thể làm chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án, người thu thập chứng cứ phải liên hệ với cơ sở giam giữ để được thu thập, xác nhận và hợp thức nguồn chứng cứ.
Sau khi đảm bảo điều kiện về nguồn gốc, cơ quan tố tụng sẽ xem xét đến nội dung của chứng cứ có ảnh hưởng đến bản chất vụ án hay không. Nếu đáp ứng đủ, chứng cứ sẽ được sử dụng để phục vụ việc giải quyết vụ án; ngược lại, nếu không đảm bảo tính chính xác, hợp pháp hoặc không liên quan, không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì sẽ không được sử dụng để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Xem nhanh 12h ngày 29.1: Khi nào chứng cứ được coi là hợp pháp?
Vẫn theo LS Vinh, trách nhiệm xem xét, đánh giá và quyết định đối với chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng ở các giai đoạn tố tụng tương ứng với thời điểm cung cấp tài liệu, đồ vật. Đơn cử, tài liệu, đồ vật được cung cấp tại giai đoạn điều tra thì thẩm quyền đánh giá thuộc cơ quan điều tra, cung cấp tại giai đoạn xét xử thì thẩm quyền thuộc tòa án.
Ở giai đoạn xét xử, sau khi tiếp nhận chứng cứ mà LS hoặc bị cáo cung cấp, HĐXX có thể xem xét tại chỗ để trả lời đối với phía cung cấp; trường hợp không thể xác minh nguồn chứng cứ ngay tại chỗ hoặc chứng cứ đó ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất vụ án, HĐXX có thể tạm dừng phiên tòa, thậm chí trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ.
"Về nguyên tắc, những gì có lợi cho bị cáo thì HĐXX phải thực hiện", LS Vinh nói, và cho rằng bộ luật tố tụng hiện nay quy định rất cụ thể, đòi hỏi người tiến hành tố tụng rất thận trọng, chịu trách nhiệm với quyết định tố tụng của mình, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người tham gia tố tụng.
Nữ LS cũng cho hay khi HĐXX không chấp nhận tài liệu, đồ vật mà bị cáo cung cấp là chứng cứ, bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm, hoặc đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, để tiếp tục chứng minh nguồn chứng cứ mà mình đã thu thập.
Bình luận (0)