Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô vào nội đô sau gần 12 năm bàn thảo.
Kẹt xe trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) |
Cao An Biên |
Bài toán 'con gà, quả trứng' khi hạn chế ô tô, xe máy vào nội đô Hà Nội, TP.HCM |
TP.HCM thí điểm theo giờ cao điểm, Hà Nội cân nhắc mức phí
Theo Sở GTVT TP, đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân (PTCGCN) tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM” đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3998 ngày 27.10.2020. Kế hoạch triển khai thực hiện đề án sau đó đã được ban hành ngày 6.4.2021. Về quan điểm phát triển, TP.HCM chủ trương phát triển VTHKCC phải kết hợp với hạn chế PTCGCN, tương ứng với nhóm giải pháp tăng cường VTHKCC được triển khai đồng thời với nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng PTCGCN.
Việc kiểm soát sử dụng PTCGCN gồm 3 giải pháp về kinh tế, hành chính. Trong đó, giải pháp “thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP” cần được sớm xem xét, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) đã xây dựng phương án thu phí xe ô tô vào nội đô và đã được Sở GTVT trình xin ý kiến UBND TP.
Theo Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ, UBND 5 TP lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cần nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030. Ngoài ra, nghiên cứu triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm, tổng kinh phí 2.274 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỉ đồng và tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.796 tỉ đồng. Khoản thu phí sẽ dùng một phần để thanh toán chi phí vận hành của chủ đầu tư là 1.796 tỉ đồng, còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Cuối tháng 10.2021, Trung tâm quản lý giao thông công cộng (GTCC) TP.Hà Nội đã trình báo cáo Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới. Tuy nhiên, đề án này đã không được trình lên tại kỳ hợp HĐND TP.Hà Nội vào tháng 11.2021.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết UBND TP đã yêu cầu Sở GTVT, Trung tâm quản lý GTCC và đơn vị tư vấn (Trường ĐH GTVT Hà Nội) rà soát, hoàn thiện đề án để báo cáo lại, gồm cả vị trí trạm, mức giá thu phí, khung thời gian thực hiện...
Phát triển vận tải hành khách công cộng phải kết hợp với hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân |
Đậu Tiến Đạt |
Bài toán “con gà, quả trứng”
Những ý kiến phản đối siết xe cá nhân đều lấy lý do hệ thống GTCC tại các TP lớn chưa phát triển tương xứng để đáp ứng nhu cầu người dân. Song thực tế đây là bài toán “con gà, quả trứng”, bởi nếu không hạn chế xe cá nhân sẽ rất ít người lựa chọn phương tiện công cộng. Song hệ thống GTCC không thể một sớm một chiều đáp ứng đủ nhu cầu người dân, đặc biệt khi hệ thống metro tại Hà Nội và TP.HCM đều ì ạch, xe buýt ngày càng thất thế.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright VN, cho rằng “đánh” vào kinh tế để kiểm soát xe cá nhân có thể triển khai bất cứ lúc nào, không phải chờ đến khi hoàn thiện mạng lưới GTCC. Việc di chuyển bằng xe cá nhân gây ra gánh nặng, tổn thất cho xã hội về môi trường, kinh tế..., nên người sử dụng xe cá nhân phải đóng phí bằng đúng chi phí gánh nặng đã gây ra cho nền kinh tế. Nhà nước sẽ sử dụng khoản tiền này để phát triển GTCC, bù đắp lại những tổn thất mà phương tiện cá nhân gây nên. Ngược lại, sử dụng GTCC là tạo ra ngoại tác tích cực cho nền kinh tế, nên sẽ được trợ giá. Đây là lấy chi phí của người gây tiêu cực bù cho chi phí của người tác động tích cực.
Đồng tình, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, nhận xét TP.HCM đang phát triển mạng lưới GTCC, cụ thể là đang tăng tốc hoàn thành tuyến metro số 1, chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 và số 5. Trong điều kiện thuận lợi nhất, đến 2030, TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường sắt đô thị, tiếp tục mở rộng khoảng 300 tuyến xe buýt, dự kiến phục vụ chưa đầy 30% nhu cầu đi lại của người dân. Ở đây đang mặc định khi các tuyến tàu điện, xe buýt được mở ra, người dân lập tức chuyển qua sử dụng GTCC.
Đồ họa: đông xuân du |
Tuy nhiên, sử dụng xe cá nhân là thói quen cố hữu của người Việt, nên không thể trông chờ GTCC tốt lên là người dân sẽ tự động chuyển qua sử dụng. Nếu như không có tác động nào nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân thì đến năm 2030, rất khó để GTCC đạt mục tiêu đề ra. Chưa kể hiện nay số lượng xe cá nhân quá đông, nếu không kiểm soát thì không có không gian cho xe buýt phát triển.
Bình luận (0)