Khi nào mới phải dùng phương pháp cuối cùng: cắt dạ dày để giảm cân?

02/04/2019 04:59 GMT+7

Những người thừa cân, béo phì thường lúc nào cũng thèm ăn và ăn rất ngon miệng nên lại ăn rất nhiều. Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày được xem là phương pháp cuối cùng khi các biện pháp giảm cân khác đã “bó tay”.

Người thừa cân, béo phì khó giảm cân

Ở nước ta, thói quen ăn uống, lối sống đã có nhiều thay đổi khá rõ trong những năm trở lại đây. Điều kiện sống, cách làm việc công nghiệp đã khiến tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng.
Theo điều tra dinh dưỡng năm 2015, tỉ lệ người trưởng thành thừa cân ở nước ta đã chiếm 15,6% (cao gấp 2,5 lần so với năm 2005); tỉ lệ béo phì tăng gấp 4 lần sau 10 năm từ 0,4% lên 1,7%. Xu hướng thừa cân, béo phì ở nữ cao hơn nam.
Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà theo các chuyên gia y tế, tình trạng này còn gây ra nhiều bệnh lý khác cho cơ thể.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Võ Duy Long, Phó trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), những người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị tim mạch, huyết áp, các rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, ung thư,…
Vì vậy, cần thiết phải giảm cân và điều trị béo phì.
Tuy nhiên, bác sĩ Long cho biết, nhiều người thừa cân, béo phì tìm đến bệnh viện do những cách khác đã “bó tay”, bệnh nhân giảm cân nhưng không hiệu quả hoặc chỉ giảm được một thời gian rồi tăng cân trở lại.
Theo bác sĩ Long, trên thực tế, việc giảm chế độ ăn, tăng tập luyện cường độ cao, dùng thuốc... có thể giúp giảm cân trong một vài tháng đến 1-2 năm. Sau 5 năm, có tới 95% các trường hợp béo phì quay trở lại cân nặng lúc ban đầu, thậm chí tăng cao hơn.
Giải thích nguyên nhân, bác sĩ Long cho biết do những người thừa cân béo phì lúc nào cũng thèm ăn, ăn ngon miệng nên lại ăn rất nhiều.
Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày được xem là phương pháp giảm cân, điều trị béo phì cuối cùng, khi các biện pháp khác hiện tại không hiệu quả.

Cắt dạ dày là phương pháp cuối cùng

Bác sĩ Long cho biết, nội soi cắt dạ dày nhằm thu nhỏ dạ dày. Đặc biệt phương pháp này loại bỏ phần đáy vị nơi có các tế bào chế tiết ra Ghrelin (một loại hoóc môn tạo ra trạng thái thèm ăn hoặc tăng cảm giác ngon miệng) để giúp… giảm cân.
Biện pháp nội soi cắt dạ dày được áp dụng tại BV ĐHYD những năm gần đây. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt dạ dày giảm cân không được áp dụng đại trà.
Phẫu thuật cắt dạ dày chỉ áp dụng cho những người béo phì, chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 37. Đặc biệt, với những người bệnh đái tháo đường có BMI trên 27, phẫu thuật cắt dạ dày không chỉ giúp giảm cân mà còn giúp đường máu ổn định hơn.
“Phương pháp này không chỉ thu nhỏ dạ dày để nạp lượng thức ăn mà cũng làm mất dần cảm giác ngon miệng ở người béo phì. Từ đó, giảm lượng thức ăn đưa vào hằng ngày và giúp người bệnh không còn muốn ăn nhiều như trước khi phẫu thuật”, bác sĩ Long giải thích.
Bên cạnh đó, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần phải phối hợp với nhiều phương pháp khác để giảm cân khoa học, hiệu quả. Người bệnh sẽ được bác sĩ tâm lý, thẩm mỹ, dinh dưỡng, ngoại khoa, nội tiết, tim mạch tư vấn, đồng thời được bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu hỗ trợ hướng dẫn vận động theo các phác đồ riêng.
Theo ghi nhận của BV ĐHYD, sau mổ từ 11-60 tháng, người thừa cân, béo phì có thể giảm được 50-70% khối lượng dư thừa của cơ thể.
Các kết quả đánh giá trên các người bệnh cắt dạ dày trị béo phì cho thấy sau một năm phẫu thuật, cân nặng trung bình của mỗi người giảm khoảng 35 kg. Có trường hợp sau hai năm cân nặng đã giảm từ 160 kg xuống còn 78 kg. Cắt dạ dày để giảm cân có tỉ lệ biến chứng khoảng 0,1% và hiếm ai phải phẫu thuật lại.
Tuy nhiên, bác sĩ Long khuyến cáo người bị béo phì phải điều trị suốt đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.