Nhưng kỳ lạ thay, trong buổi lễ UBND H.Gio Linh vinh danh ông vào chiều 29.3, “người hùng” lại bất ngờ… bật khóc.
Ông Nghĩa áy náy vì không cứu được nạn nhân còn lại trong vụ đuối nước |
NGUYỄN PHÚC |
Hỏi ra mới hay, ông Nghĩa cảm thấy áy náy vì chỉ cứu được 1 người, thay vì 2, trong buổi chiều định mệnh đó. Đã có 1 người phải ra đi. Ông tự trách mình bởi lúc “hữu sự” lại không có sẵn chiếc áo phao, không có đồ bảo hộ và cũng không có đồng đội. “Tôi đã làm hết sức rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Lúc đó, tôi chỉ có một mình”, ông Nghĩa nghẹn ngào chia sẻ.
Sự dằn vặt đầy lòng trắc ẩn của ông Nghĩa khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Khi thảm nạn xảy ra, lực lượng chức năng và đội cứu hộ bãi tắm Cửa Việt đang ở đâu?
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Đội cứu hộ bãi tắm Cửa Việt đã có từ lâu nhưng hoạt động còn nhiều khó khăn do đội thành lập chỉ theo tinh thần tự nguyện, lương bổng mang tính tượng trưng; máy móc, phương tiện hỗ trợ khi ứng cứu người gặp nạn cũng hạn chế…
Tại buổi vinh danh ông Nghĩa, UBND H.Gio Linh cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền và thực hiện tốt công tác cứu hộ cứu nạn trên biển, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho người dân và du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển tại các bãi tắm ở H.Gio Linh. Tuy nhiên, song song với biện pháp tuyên truyền, ngành chức năng cần phải làm những việc cụ thể hơn, mà trước hết tổ chức lại ban quản lý, đội cứu hộ và tập huấn thường xuyên cho lực lượng này; trang bị áo phao, thuyền đặc chủng cho công tác cứu hộ… phòng ngừa tình huống xấu xảy ra.
Khi một mình lao ra biển cứu người, ông Nghĩa hoàn toàn có thể phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Nhưng ông vẫn hành động và tự nguyện lao vào nguy hiểm. Có điều, giọt nước mắt của ông cùng sự dằn vặt sau khi cứu người hàm chứa cả nỗi cô đơn của một “người hùng”.
Bình luận (0)