Ngày mới ra trường, với tấm bằng loại giỏi, tôi được nhận vào làm việc cho một công ty PR. Sếp giao cho các thành viên phòng quảng cáo viết bài quảng cáo cho sản phẩm, qua đó lựa chọn bài viết tốt nhất để đăng trên các phương tiện truyền thông.
|
Tôi chắc mẩm bài mình sẽ được chọn, vì tự đọc và tự nhận xét: “Bài quá hay. Nếu không chọn bài mình, sẽ là một thiệt thòi lớn của công ty”. Nhưng sự thật bài tôi viết bị loại với lời đánh giá: “Viết quá tệ, tệ nhất trong các bài”.
Tôi tức không chịu được. Với sự tự tin vốn có của mình, tôi chẳng thèm quan tâm những lời góp ý, chỉ trích. Tôi quyết định làm cho ra lẽ, gặp sếp phân bua đủ điều để bảo vệ quan điểm: bài của mình là hay nhất.
Kết cục mọi người chắc cũng đoán được: chẳng người sếp nào chấp nhận một nhân viên luôn coi mình là nhất, là số một. Và quyết định sa thải tôi nhận được ngay sau đó.
Trải qua nhiều sự cố và thất bại tương tự tại nhiều công ty, dần dần tôi mới rút được kinh nghiệm cho mình. Tôi nhận ra tự tin là tốt, là khởi đầu cho thành công. Nhưng tự tin thái quá sẽ là một thất bại, dẫn đến những tác dụng ngược, mang đến cho người khác cảm giác bạn đang khoe khoang hay khuếch trương bản thân mình.
Qua những câu chuyện của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ những người trẻ rằng, đừng bao giờ cho rằng mình luôn đúng, nghĩ rằng mình là giỏi nhất, vì “núi cao còn có núi cao hơn”, mình giỏi còn có người giỏi hơn.
Phan Nguyễn Minh Hiền
>> Khi người ta trẻ: Hãy học cách tiêu tiền
>> Khi người ta trẻ: Hãy là chính mình
>> Khi người ta trẻ: Đừng “làm nổi” như vậy !
>> Khi người ta trẻ: Là con gái thật tuyệt !
>> Khi người ta trẻ: Tỉnh táo để đánh giá toàn diện
Bình luận (0)