Khi Nguyễn Linh xưng danh với tranh chèo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/12/2020 10:24 GMT+7

Tranh chèo của họa sĩ Nguyễn Linh uyển chuyển về không gian, nồng nàn màu sắc và phóng khoáng trong nét vẽ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, mắt ngân ngấn khi nói về bạn mình trong lễ khai mạc triển lãm Nguyễn Linh 4. “Tôi mừng vì bạn tôi vẫn còn vẽ mạnh mẽ, bung tỏa cảm xúc như thế. Bởi vì thế hệ của chúng tôi là thế hệ hầu hết đã chững lại, một thế hệ đã đổi gác”, ông Đoàn nói. Triển lãm với 40 tác phẩm, hầu hết là khổ lớn, mới vẽ và đậm phong cách riêng, cho thấy đúng là Nguyễn Linh vẫn chưa chịu đổi gác, vẫn còn chiến đấu. 

Người còn "chiến đấu"

Nguyễn Linh 4 (từ ngày 12 - 20.12 tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội) là triển lãm mà nhiều người đến không chỉ để ngắm lại tác phẩm yêu thích nào đó từng xem tại tư gia ông Linh. Họ còn đến để xem ông chọn trưng bày bức nào trong số tác phẩm rất nhiều và rất hay mà ông đã vẽ trong suốt 40 năm gắn bó với màu với bút. Lựa chọn đó đòi hỏi nhiều cân nhắc nhất là khi ông vẫn vẽ sung sức trong những năm gần đây. Số và lượng tác phẩm đó đủ để ông một mình bày nhiều triển lãm chuyên đề khác nhau mà vẫn đủ hấp dẫn với những người khó tính trong nghề.
Những tác phẩm trong Nguyễn Linh 4 đánh dấu chính ông trong 9 năm sáng tác kể từ sau Nguyễn Linh 3. Trong suốt thời gian đó, ông vẽ chân dung bạn bè, vẽ những cuộc tự vấn bản thân, vẽ động vật, vẽ những giá đồng và chèo. "Tôi triển lãm khi thấy đủ", ông chia sẻ.
Ở thời điểm Nguyễn Linh thấy đã đủ hài lòng với tác phẩm để triển lãm, công chúng được xem những chân dung “một đập ăn quan” ra ngay thần thái của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Họ cũng được xem những bò, dê, với cặp sừng cực kỳ khỏe khắn trong góc nhìn pha trộn phong cách dân gian giàu nhịp điệu. Những bức tranh vẽ "nghề vẽ", cũng là vẽ “tâm trạng khi yêu” của chính ông với hội họa, vừa sâu lắng vừa lẫn tự trào. Những cô đồng được mô tả sự say mê với đôi bàn tay xòe như hoa, hoa văn dát vàng trên áo được ông lược tả rất gợi.

Tác phẩm Cô đồng

Tranh Nguyễn Linh

Xem Nguyễn Linh 4 để thấy ông đã thành thục thế nào với việc vẽ nét. Vô vàn nét vẽ mảnh trên nền những bức tranh khổ lớn. Nếu như ở tác phẩm Vũ hội những nét đó rất dân gian và giàu sức mạnh biểu tượng thì sang tranh Bò, sự duyên dáng đã nhường chỗ cho vẻ uy phong. Đặc biệt, những nét đen nhỏ để khắc họa từng cử động cơ của sự châm biếm, bơ vơ lẫn bẩn thỉu trên khuôn mặt nhân vật chèo khiến người xem thích thú.
Nguyễn Linh 4 cũng cho thấy khả năng làm chủ không gian của ông. Ở đó, những mảng giấy dó dán trên toan tạo sự thay đổi chất liệu vừa linh hoạt, vừa như nửa say nửa tỉnh, đặc biệt trên các tranh vẽ hầu đồng. Ông cũng có cách tạo không gian rất chấm phá. Chẳng hạn, chỉ một đường chỉ đỏ nhỏ trên nền đen, không gian của một cuộc đấu vật đã hiện ra.

Có thể thấy trong tranh của Nguyễn Linh sự suy tư và tự trào về nghề nghiệp

Ảnh: Nguyễn Tân

Tinh thần chèo

Khả năng tạo không gian của ông cũng thể hiện rất mạnh trong tranh vẽ chèo. Ở đó, các nhân vật được đặt trong không gian chèo “nguyên chất”. Ông từ chối đặt chèo trên sân khấu hộp kiểu châu Âu để đưa về sân đình không có giới hạn không gian. Nhân vật, câu chuyện nhân vật vì thế cũng như văn hóa làng chạy thẳng vào tranh theo hướng bất ngờ nhất.
Sau cú “nhảy dù” vào không gian đó, người xem tranh có thể thấy vẻ ô trọc của lý trưởng và có thể nhớ đến những cường hào mới đâu đó trong kịch Lưu Quang Vũ. Họ cũng nhìn thấy sự thẫn thờ của Xúy Vân khi khao khát yêu bị quăng quật. Sự hóm hỉnh pha lửa nữ quyền của mẹ Đốp cũng được ông mô tả rất phốp pháp xuân thì. Đĩa màu dân gian với hồng tía, xanh lá, vàng thư, cam nhạt… càng khiến tranh thêm gần gũi. Chèo thực sự là một mảng Nguyễn Linh vẽ rất hay, rất say và rất tình.

Tác phẩm Chèo của họa sĩ Nguyễn Linh

Ảnh Nguyễn Tân

Thời kỳ đầu sáng tác, Nguyễn Linh khá mơ màng với không gian "bay bay" mà ông nghiên cứu từ Marc Chagall. Giờ đây, lối vẽ không gian của ông pha trộn giữa góc nhìn linh hoạt của điêu khắc dân gian và cách khoanh khoảng giới hạn chắc nịch của Francis Bacon. Nhưng quan trọng hơn, Nguyễn Linh vẫn đang dư thừa năng lượng để vẽ tiếp và thậm chí "nổi loạn" một cách trầm lắng hơn.
Với Nguyễn Linh 4, mảng tranh chèo mà ông mới vẽ khoảng 2 năm gần đây cho thấy một mỹ cảm mới về chèo. Mặt tranh của ông tràn ngập sắc dân gian, tinh thần dân gian với không gian được mở ra theo bút pháp rất hiện đại. Như thể trong một vở chèo, quay lại sau 9 năm, Nguyễn Linh cất lời: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ”.
Với cuộc "xưng danh" lần này, Nguyễn Linh đã ghi danh mình như một người vẽ sân khấu vẽ chèo rất đáng được nhắc đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.