NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, không giấu nổi niềm vui khi nói về Nhà hát Hồ Gươm. "Ngay từ khi Nhà hát Hồ Gươm khánh thành, chúng tôi đã rất phấn khởi, vì ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi có thêm địa điểm thứ 2 để biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật hàn lâm", NSƯT Phan Mạnh Đức nói với báo chí. Nhà hát của ông đã nhiều năm phải đi "nhờ nhà hát" do sân khấu biểu diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN rất nhỏ, các hàng ghế rất dốc và địa điểm thì ở trong một ngõ nhỏ. Mỗi khi có chương trình cổ điển như ballet, opera, họ đều phải đi thuê Nhà hát Lớn Hà Nội.
Lịch diễn của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN tại Nhà hát Hồ Gươm được chốt khá sớm. Nhà hát Hồ Gươm cũng đã công bố lịch diễn các vở ballet Hồ Thiên nga, opera Carmen, opera La Traviata trong lịch diễn của cả mùa. Bản thân thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bảy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm, cũng rất tự hào về việc nhà hát của mình có thể công bố lịch diễn cả năm như vậy. Đây là một việc không có gì lạ với các nhà hát lớn ở nước ngoài, song tại VN lại khó thực hiện. Việc công bố lịch diễn sớm như vậy giúp người xem chủ động được lịch làm việc, lịch thưởng thức của mình.
Một NSƯT chia sẻ, với nghệ thuật cổ điển, các nghệ sĩ rất mong có được càng nhiều lịch diễn cố định càng tốt. Họ cũng ao ước các nhà hát có vị trí tốt, chất lượng âm thanh ánh sáng tốt, có những giao kết chặt chẽ với các nhà hát có nhân sự chuyên môn. "Giả sử Nhà hát Lớn Hà Nội có lịch đặt chúng tôi biểu diễn hằng năm bao nhiêu buổi thì tốt quá. Nhưng điều này cũng chưa từng xảy ra. Nhà hát Lớn vì thế chưa trở thành người đỡ đầu sản xuất các chương trình cổ điển", NSƯT này cho biết.
Còn nhớ, hồi năm 2016, ông Nguyễn Ngọc Thiện khi còn làm Bộ trưởng VH-TT-DL từng có sáng kiến tổ chức các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Sáng kiến ra đời khi thời đó, ông Thiện cho rằng đang thiếu những chương trình nghệ thuật đỉnh cao cho công chúng. Các nhà hát lần lượt được xếp lịch diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật đỉnh cao song đều là các chương trình, vở diễn "bình mới rượu cũ". Suốt quá trình này, sự tham gia vào sản xuất chương trình của Nhà hát Lớn Hà Nội khá mờ nhạt. Sau đó, mọi việc dừng lại với giải thích tạm dừng chương trình đỉnh cao do Nhà hát Lớn tu bổ định kỳ.
Trong khi đó, nhiều chương trình cổ điển ở Nhà hát Hồ Gươm gần đây đều mới được xây dựng, sản xuất, có chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Vòng kết nối nghệ sĩ cũng rất rộng mở trong nước, khi các nghệ sĩ trong Nam ngoài Bắc cùng tham gia. Nếu như Nhà hát Hồ Gươm không có nghệ sĩ cổ điển cơ hữu, thì các đơn vị như nhiều dàn nhạc, dàn hợp xướng lại không có sân khấu để thi triển. Chính vì thế, sự bắt tay này cho thấy sự sắp xếp nguồn lực để có thể thúc đẩy nghệ thuật cổ điển lâu dài qua việc mua gói sản phẩm hoặc đồng tổ chức sản xuất.
Bình luận (0)