Khi nhân viên ngân hàng 'làm Conan'

20/10/2023 13:25 GMT+7

Năm 2023 chứng kiến hiện tượng lạ khi các ngân hàng từ chỗ liên tục là nạn nhân của lừa đảo trên mạng đã ra tay chặn đứng nhiều vụ khách hàng chỉ còn một động tác nữa là mất tiền.

Chặn đứng nhiều vụ lừa đảo ở phút chót

Khách hàng mất tiền sau một cú nhấp chuột; khách hàng nhẹ dạ đến nhà băng rút tiền chuyển cho kẻ lừa đảo... là hiện tượng phổ biến mấy năm nay. Để phòng chống tình trạng này, ngoài việc liên tục phát đi các thông tin cảnh báo, không ít nhân viên ngân hàng (NH) cũng rèn thêm được kỹ năng quan sát, suy luận, phải đóng vai "thám tử Conan" để nhờ đó, chặn đứng một số vụ khách hàng suýt mất tiền vì kẻ gian dụ dỗ hay dọa dẫm.

Khi nhân viên ngân hàng 'làm Conan' - Ảnh 1.

Bảo vệ an ninh mạng, bao gồm phòng chống lừa đảo công nghệ cao, rất cần tinh thần cảnh giác của từng cá nhân

SHUTTERSTOCK

Cuối tháng 9 vừa rồi, bà N.T.P (57 tuổi, trú tại P.Ninh Sơn, TP.Ninh Bình) đến Agribank chi nhánh Nam Ninh Bình rút 2 sổ tiết kiệm 376 triệu đồng. Nhận thấy bà N.T.P có những dấu hiệu bất thường, nhân viên làm thủ tục đã chủ động dừng các thủ tục chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của bà và điện báo công an. Làm việc với công an sau đó, bà N.T.P cho biết một đối tượng nhận là Viện trưởng Viện KSND TP.Hà Nội gọi điện đến bằng nhiều số điện thoại thông báo bà N.T.P có liên quan đến vụ án rửa tiền và buôn bán ma túy xuyên quốc gia, yêu cầu bà phải rút toàn bộ số tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản của đối tượng để phối hợp điều tra. Sau khi được công an giải thích, bà N.T.P mới biết mình may mắn không bị lừa mất số tiền trên. 

Theo đại diện Agribank, những hình thức lừa tiền như trên xảy ra nhiều ở một số tỉnh miền Trung. Một số điểm giao dịch của Agribank như chi nhánh Hồng Lĩnh ngăn chặn được vụ khách hàng chuyển 135 triệu đồng cho kẻ lừa đảo tự xưng là Công an TP.Hà Nội; Hay nhân viên Agribank Tây Sơn chặn được một vụ tất toán sổ tiết kiệm 70 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo. Chỉ hơn 10 ngày trong tháng 9, cán bộ Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã ngăn chặn thành công 4 vụ lừa đảo, giúp 4 khách hàng không bị mất oan số tiền trên 500 triệu đồng. Cũng nhờ vậy, nhân viên ở nhà băng này ngày càng trở nên cảnh giác, thấy tình nghi là chủ động tìm hiểu, dừng chuyển tiền, báo cáo lãnh đạo NH và công an để cùng vào cuộc.

Nhiều trường hợp khách hàng còn không biết mình là nạn nhân của lừa đảo. Điển hình, vào tháng 5, giao dịch viên NH LPBank Nguyễn Thị Mải nhận thấy khách hàng N.T.S (73 tuổi) tỏ ra lo lắng, mệt mỏi trong quá trình rút 2 sổ tiết kiệm 318 triệu đồng. Qua trao đổi, khách hàng cho biết rút tiền cho cháu làm nhà. Tuy nhiên, nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ bà N.T.S nên chị Mải đã trì hoãn giao dịch, đồng thời cảnh báo bà N.T.S về những thủ đoạn lừa đảo và khuyên bà liên hệ với người thân. Đồng thời NH cũng báo cho phía cơ quan công an địa phương đến tuyên truyền, giải thích. 

Lúc này, bà N.T.S mới kể bị một người lạ tự xưng là công an nói bà có liên quan đến đối tượng buôn bán ma túy và chiếm đoạt tài sản. Người này yêu cầu bà giữ bí mật cuộc gọi để bảo mật trong quá trình điều tra và chuyển số tiền tiết kiệm hiện có vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp để chứng minh tiền không liên quan đến vụ án. Nếu bà không chuyển tiền ngay thì bà sẽ phải đi tù theo khung hình phạt thấp nhất là từ 6 tháng đến 2 năm. Do lo sợ và muốn minh oan nên bà S. đã làm theo hướng dẫn. Cũng may nhờ chị Mải nhanh trí, có trách nhiệm, bà N.T.S đã không bị chiếm đoạt số tiền 318 triệu trong sổ tiết kiệm.

Hay trường hợp bà D.T.X (54 tuổi, trú tại Hà Nội), khách hàng thân thiết của Phòng giao dịch LPBank Chương Mỹ đến rút 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm với yêu cầu chuyển vào tài khoản Agribank của bà trong 3 phút. Thấy bà X. có những biểu hiện bất thường nên nhân viên NH hỏi thăm thì nhận được câu trả lời: "Cô rút tiền này để làm nốt nhiệm vụ lần cuối". Nghi ngờ khách hàng bị lừa đảo, người này khuyên can nhưng khách hàng vẫn muốn thực hiện giao dịch. Người nhân viên này báo cáo lên cấp trên và ban lãnh đạo của Phòng giao dịch đã nhanh chóng gặp, thuyết phục khách hàng. 

Lúc này, bà D.T.X mới chia sẻ được một người lạ giới thiệu tham gia công việc tăng thu nhập bằng cách nhấn like vào các nội dung trên đường link, mỗi like được 10.000 đồng. Sau khi làm theo và nhận được 200.000 đồng, đối tượng này chuyển bà sang nhóm khác với yêu cầu chuyển tiền từ 100.000 đồng, 3 triệu đồng, 6 triệu đồng… để làm nhiệm vụ. Sau khi nạp tiền, số tiền nhận về sẽ lớn hơn. 

Tổng số tiền mà bà D.T.X chuyển cho kẻ lừa đảo đã lên 86,45 triệu đồng nhưng nhóm này liên tục hối thúc bà D.T.X chuyển thêm 68 triệu đồng để kết thúc nhiệm vụ, nhận lại 209 triệu đồng. Do số tiền trong tài khoản Agribank của bà không đủ nên phải ra LPBank rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền. Một mặt thuyết phục bà X., một mặt báo công an, NH này đã chặn đứng một vụ lừa đảo việc nhẹ lương cao phổ biến mà nhiều người sập bẫy hiện nay.

Khi nhân viên ngân hàng 'làm Conan' - Ảnh 2.

Nhân viên ngân hàng cảnh giác cao, ngăn chặn được nhiều vụ lừa đảo tiền

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngăn lệnh chuyển tiền trước mũi kẻ lừa đảo

Với thời buổi phát triển công nghệ ngày càng cao, không gian mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho kẻ gian hoạt động lừa đảo. Nhưng cũng nhờ đó, "kỹ năng thám tử" của nhiều nhân viên NH cũng được nâng cao. Sau khi ngăn chặn được vụ lừa đảo chuyển tiền 100 triệu đồng của khách hàng N.T.Q (tỉnh Nghệ An), chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (nhân viên Agribank chi nhánh Hà Tĩnh) kể chị tiếp tục đối mặt với một vụ lừa đảo ngay trước mắt. Hôm đó là thứ hai đầu tuần nên lượng khách đến giao dịch khá đông. 

Thế nhưng, một khách hàng tên N.T.Q liên tục hối nhân viên chuyển tiền vì con trai nhắn chuyển gấp. Khi được bà N.T.Q đưa tin nhắn trên Facebook Messenger xem tài khoản để chuyển tiền, đọc qua tin nhắn thấy những dấu hiệu bất thường, chị Cẩm Vân đã trực tiếp trao đổi với bà N.T.Q về một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và hướng dẫn bà gọi điện trực tiếp cho con trai để xác nhận thông tin. Sau 2 cuộc điện thoại, bà Q. mới liên lạc được với con trai ở nước ngoài, lúc này bà mới biết Facebook của con trai đã bị hack. 

"Khi khách hàng gọi video trên Messenger để kiểm tra, các đối tượng lừa đảo vẫn nghe máy nhưng hạn chế nói chuyện để không bị nhận ra giọng nói. Đầu kia chỉ nói "Mẹ chuyển tiền cho con đi" rồi tắt máy, sau đó nhắn tin là do lỗi mạng, do đang bận việc nên không thể nói chuyện. Khi gọi video, trên màn hình vẫn loáng thoáng có hình ảnh chủ nhân Facebook nhưng là các hình được chụp đăng trước đó, chỉ hiển thị vài chục giây rồi tắt để tạo niềm tin cho người gọi", chị Vân chia sẻ và cho biết sau khi hướng dẫn khách hàng gọi mấy phút liên tục sẽ nhận ra dấu hiệu bất thường và lúc này khách hàng nhận ra "không phải giọng con tôi". Nhờ kinh nghiệm, chị Cẩm Vân đã giúp khách hàng tránh được vụ lừa đảo ngay trước vạch đích một vài phút.

Dùng công nghệ Al để giả mạo luôn khuôn mặt (deepfake), giọng nói (deep voice) rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hay thậm chí giả mạo công an yêu cầu phối hợp điều tra là thủ đoạn mới được các NH cảnh báo gần đây nhưng vẫn khiến không ít người tiếp tục sập bẫy. Nhiều người có thói quen chụp ảnh, quay video ở nhiều góc độ, sắc thái khác nhau và chia sẻ công khai rộng rãi trên mạng xã hội. Đây trở thành "mỏ vàng" dữ liệu cho những kẻ xấu thu thập để dùng công nghệ deepfake dựng các video giả mạo. 

Sự mất cảnh giác của khách hàng là cơ hội cho kẻ lừa đảo có thể thao túng tâm lý, thực hiện thành công các vụ chuyển tiền lừa đảo từ đơn giản đến tinh vi, sử dụng công nghệ cao. Trong một số trường hợp, khách hàng đăng nhập vào đường link kẻ gian gửi và giả mạo NH để lấy thông tin tài khoản. Từ đó, kẻ gian vào tài khoản của khách hàng từ một thiết bị khác. Để hạn chế thủ đoạn này, mấy năm gần đây, các nhà băng đã thiết lập cơ chế phát hiện và cảnh báo, ngăn chặn đăng nhập trên thiết bị lạ, thiết bị có cài ứng dụng đáng nghi. Việc xác thực đăng nhập tài khoản sau này còn được nâng cấp bằng sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay) khi khách hàng chuyển tiền lớn để tránh tài khoản bị chiếm đoạt lừa đảo.

Lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Lừa đảo trực tuyến gây tổn thất hàng chục tỉ USD

Thời gian qua lừa đảo trực tuyến bùng phát mạnh trên thế giới. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tính toán, lừa đảo trực tuyến gây tổn thất hơn 10,3 tỉ USD trong năm 2022. Tại Úc, lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tới 3 tỉ AUD, tổn thất ngày càng lớn qua từng năm, trung bình 19.600 AUD/vụ. Kênh lừa đảo chủ yếu gồm tin nhắn SMS (33%), tiếp theo là điện thoại (29%), email (22%), internet (6%), mạng xã hội (6%). Nhóm tuổi có nguy cơ bị lừa đảo cao nhất là trên 65 (chiếm hơn 25% số báo cáo và thiệt hại), và nhóm 55 - 64 tuổi. Tội phạm thậm chí còn nhắm vào tâm lý muốn lấy lại tiền để tiếp tục lừa. Có trường hợp bị lừa 40 lần mới biết dính bẫy.

 Giúp hàng trăm khách hàng không bị sập bẫy

Gần đây còn nở rộ hình thức lừa đảo mới, đó là lạm dụng quyền trợ năng (Accessibility) của một số ứng dụng khách hàng cài đặt trên điện thoại hệ điều hành Android. Qua các ứng dụng này, kẻ gian chiếm quyền điều khiển từ xa điện thoại của người dùng, từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập và giao dịch trên tài khoản ngân hàng số trong điện thoại. Các NH đã liên tục cảnh báo khách hàng tắt tính năng này. Đơn cử ACB chủ động tăng cường thêm lớp bảo vệ cho khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số ACB ONE bằng tính năng tự động phát hiện những ứng dụng khả nghi được cấp quyền trợ năng, có nguy cơ chiếm quyền kiểm soát điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản NH. Khi phát hiện có ứng dụng lạ, hệ thống ACB sẽ tạm khóa việc thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2023, Agribank trên toàn quốc đã giúp được gần 100 khách hàng thoát khỏi các vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá hơn 10 tỉ đồng trong tài khoản. Tuy nhiên đây vẫn là số ít những trường hợp may mắn được nhân viên NH cảnh báo và ngăn chặn kịp thời tại quầy giao dịch. Đại diện Agribank cho biết khách hàng hãy luôn tạo dựng tâm lý sợ "bị lừa" trước khi thực sự "mắc lừa" trước làn sóng lừa đảo thời 4.0. 

Để bảo vệ bản thân, Agribank cũng như các NH khuyến cáo khách hàng một số quy tắc nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước mọi tin nhắn, cuộc gọi video vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội; không tin tưởng các yêu cầu đăng nhập website, đường link lạ, cung cấp thông tin, xác nhận nhận tiền…; chủ động liên lạc trực tiếp qua điện thoại cho người thân (không sử dụng các ứng dụng trực tuyến) để xác minh thông tin. Kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền, nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Bảo mật tài khoản mạng xã hội, email bằng mật khẩu có độ khó cao; lưu giữ cẩn thận thông tin cá nhân. Hạn chế chia sẻ hình ảnh, video cá nhân lên mạng xã hội; hạn chế tham gia những ứng dụng biến hình, sửa ảnh yêu cầu quyền sử dụng hình ảnh của bạn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.