Khi pá, mé ở bản đồng lòng giảm tiền điện

Muồng Hoàng Yến
(Bắc Kạn)
22/08/2023 16:30 GMT+7

Ngày hè oi bức thì về quê là lựa chọn mà nhà tôi ưu tiên. Ở đó không khí trong lành, mát mẻ. Hai đứa trẻ khi nghe nói về bản là chúng lại hào hứng suốt đêm không ngủ. Trên đường đi, đứa lớn bảo: "Mẹ ơi chúng ta về quê cũng là để tiết kiệm điện đấy".

Tôi cười hỏi bằng cách nào? Hai chị em thi nhau kể. Con sẽ theo bà đi giặt ngoài suối để tắm mát, theo pá đi câu ngoài ao, đi vào rừng hái quả, hái rau… Như thế không cần xem ti vi, không chơi game lại sống hòa với thiên nhiên.

Khi pá, mé ở bản đồng lòng giảm tiền điện - Ảnh 1.

Mé chồng luôn dùng củi đun nấu để tiết kiệm điện

NVCC

Tôi thấy vui trong lòng vì thấy bọn trẻ đã có ý thức tiết kiệm điện.

Vừa bước vào nhà, cái oi bức của ngày hè dường như bị bỏ lại. Ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương mát mẻ với bốn bức tường dày dặn bằng đá và gạch đã cản lại những ngột ngạt và rát bỏng. Chẳng cần phải bật quạt mà cứ như ở trong điều hòa. Đang loay hoay chuẩn bị đĩa quả thắp hương, tôi nhìn thấy tờ hóa đơn tiền điện. Cầm lên xem và tôi ngạc nhiên trước số tiền thanh toán chưa đến 200 ngàn đồng. Tôi vội đem tờ hóa đơn xuống bếp hỏi mé.

Mé chồng tôi đang lui cui nhóm lửa, nói: "Tháng nào nhà mình cũng vậy thôi. Có khi nóng quá cũng hơn chút". Tôi hỏi: "Mé ơi, có cách nào tiết kiệm điện mà hay vậy?". Mé vừa đẩy củi vào bếp vừa nhẹ nhàng: "Nhà mình mỗi người đều có cách tiết kiệm điện riêng. Trên mình chủ yếu là rừng, củi có nhiều. Mé dùng bếp củi này kết hợp cả nấu đồ ăn và đun nước tắm. Khi nấu xong bữa cơm thì nước trong bình cũng đã đủ nóng cho cả nhà".

Tối đến tôi thấy bà thắp sáng bằng một ngọn đèn rất lạ. "Sao bà không bật điện lên cho sáng?", tôi thắc mắc. Bà vừa cho thêm mỡ vào bát vừa nói với vẻ tự hào: "Đây là phát minh tiết kiệm điện mới nhất của pá con đấy. Nó tận dụng những loại mỡ, thịt bạc nhạc chao lên lấy mỡ, bỏ sợi bấc vào vậy là có ánh sáng rồi. Khi nào cần nhiều ánh sáng hơn mới bật điện thôi".

HỌC TỪ NHỮNG THÓI QUEN ĐƠN GIẢN

Nói đến tiết kiệm điện thì pá tôi là người rất có ý thức. Ngoài việc hạn chế mở ti vi, quạt vào những giờ cao điểm, sử dụng những loại bóng tiết kiệm điện, đường dây an toàn tránh thất thoát điện thì khi nghe thời tiết ông chỉ mở đài FM. Ông luôn dặn mọi người ngắt các thiết bị điện không cần thiết đi. Thậm chí ông không dùng điện thoại thông minh vì ngày nào cũng phải sạc. Ông bảo dùng điện thoại bàn phím có khi cả tuần chỉ sạc một lần.

Sáng sớm, tôi đã thấy bà cụ đi vườn về, ôm theo bó rau. Tôi hỏi: "Sao bà dậy sớm thế?". Bà cười, người già khó ngủ. Mỗi lần pá con dậy thịt lợn đi chợ là lúc bà cũng tỉnh. Nhà mình vườn rộng, bà chịu khó trồng thêm rau là luôn có rau sạch ăn quanh năm, quả theo mùa đều sẵn. Phiên chợ thì pá con lại thịt lợn nên cũng không cần phải tích đồ ăn trong tủ lạnh. Vừa được ăn đồ tươi, lại tiết kiệm được điện.

Thì ra không phải nhà tôi mỗi người mới có cách tiệt kiệm điện riêng mà trong bản nhà nào cũng vậy. Sau khi cơm nước xong, mọi người lại ra ngoài sàn ngồi hóng mát tám chuyện dưới trăng, có hôm thì dưới đèn năng lượng mặt trời. Lũ trẻ con thì thích thú vì vừa được chơi, được ngắm trăng, lại được hóng gió từ dưới khe thổi lên. Mãi tới khi trăng lên đến đỉnh đầu thì ai mới về nhà nấy, ngôi nhà lúc đó mới có ánh điện.

Vào buồng, theo thói quen, con bé tìm quạt. Bà nói vọng từ phòng khách: "Con mở cửa sổ ra ngủ, gió lùa vào mát hơn. Ông đã dùng lưới sắt mắt nhỏ che vào rồi". Tôi mở toang cửa sổ, gió phả vào phòng mát rượi, đưa cả hương đêm vào giấc ngủ.

Những ngày hè dần khép lại, riêng tôi đã học được cách tiết kiệm điện từ ông bà, pá mé, những người hàng xóm và từ cả chính các con mình. Tôi vui mừng khi thấy tiền điện nhà tôi đã có những con số bé lại, từ 400 - 500 ngàn đồng nay chỉ còn hơn 300 ngàn đồng. Điều này sẽ là món quà mà tôi sẽ chia sẻ cùng các đồng nghiệp ở nhà trường khi năm học mới sắp bắt đầu.

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên tổ chức và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.