Năm vừa qua, nhà xuất bản (NXB) này đã phát hành hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa (SGK), vượt 40% so với kế hoạch đề ra; doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế 287 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ GD-ĐT (cơ quan chủ quản) giao. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số 120 - 150 tỉ đồng những năm trước.
Kết quả trên được công bố giữa lúc dư luận vẫn đang “nóng rực” với việc giá SGK mới của lớp 3, lớp 7 và lớp 10 (các năm trước là lớp 1, lớp 2 và lớp 6) cao hơn 3 - 4 lần so với SGK cũ. Chỉ vài tháng trước, cả NXB và Bộ GD-ĐT đều “đổ lỗi” giá SGK tăng phi mã là do các nguyên nhân khách quan. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói ông lên tiếng không nhằm mục đích “thanh minh hộ doanh nghiệp” nhưng cho rằng SGK mới có “khổ lớn hơn, giấy tốt hơn”… Giá phát hành SGK giảm được từ 10 - 15% so với các sách tương ứng của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.
Còn NXB Giáo dục VN thì khẳng định: “Đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học, giá SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số gia đình”.
Tuy nhiên, về phía phụ huynh, những người phải bỏ tiền mua SGK cho con đi học, thì không ít gia đình lại đang gặp khó khăn. Sau dịch bệnh, khi giá cả tiêu dùng đồng loạt tăng thì giá SGK cũng tăng mạnh khiến nhiều người kiệt quệ cả về tài chính lẫn tinh thần.
Ngay cả những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả cũng bức xúc khi không khó để nhận ra rằng khoản chi cho SGK tăng vọt là phi lý. Họ phàn nàn không phải do khó khăn về tài chính mà nhìn thấy mình đang bị bắt chẹt dưới danh nghĩa SGK là tài liệu học tập bắt buộc. “Lãi cao cũng đúng thôi khi mà gần nửa số SGK tiểu học con tôi không dùng tới nhưng vẫn phải mua, thậm chí mua với giá cao so với giá trị thật”; “Tôi nghĩ giá trị cuốn sách không nằm ở khổ to giấy tốt. Tôi cũng không cần khổ to, giấy tốt làm gì. Tôi chỉ cần kiến thức trong SGK có giúp được gì cho con em trong cuộc sống và sang năm cháu sau có dùng được sách này hay không mà thôi”… Đó là những bình luận của bạn đọc khi nhìn vào số lãi “khủng” của NXB Giáo dục VN cùng những lời giải thích trước đó của cơ quan chức năng về giá SGK cao vọt.
Những con số “biết nói” về lợi nhuận “khủng” từ đơn vị có nhiệm vụ chính trị là biên soạn và phát hành SGK, hiển nhiên có giá trị thông tin hơn nhiều lần lời giải thích hoa mĩ về giá SGK cao vọt của cả lãnh đạo Bộ GD-ĐT và chính NXB này trước đó.
Đành rằng, kinh doanh là phải có lời. Tuy nhiên, với mặt hàng đặc thù như SGK cũng được coi là mặt hàng “béo bở” để kiếm lời, hơn nữa còn kiếm lời theo cách: thêm vào danh mục hàng loạt cuốn sách bắt buộc, in màu bóng bẩy hơn một chút rồi đẩy giá cao 3 - 4 lần để rồi vẫn không ngượng mồm khi nói: “Chúng tôi đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu” hay “đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán phù hợp”… thì đây rõ ràng còn là câu chuyện về đạo đức kinh doanh, nhất là kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.
Bình luận (0)