Mới chỉ rà soát ở 38% vùng thảm họa
Thống đốc bang Hawaii Josh Green hôm qua 17.8 cho hay số người chết trong trận cháy rừng trên đảo Maui đã tăng lên 110 và ước tính có hơn 1.000 người không liên lạc được một tuần sau khi đám cháy tàn phá thị trấn Lahaina ở phía tây hòn đảo, theo CNN. Các đội cứu hộ mang theo khoảng 20 chó nghiệp vụ tìm kiếm từng khu vực, nhưng tính đến hôm qua mới chỉ có 38% khu vực thảm họa được tìm kiếm. Do đó, giới chức cho rằng số người chết có thể còn tăng.
Trong khi đó, những người sống sót tiếp tục yêu cầu giới chức cho biết lý do không có còi báo động nào vang lên trong lúc thảm họa xảy ra. Hawaii có một trong những hệ thống cảnh báo còi báo động lớn nhất thế giới, nhưng 80 còi báo động trên đảo Maui vẫn im lặng. Giám đốc Cơ quan Quản lý khẩn cấp Maui Herman Andaya hôm qua nói rằng ông không hối tiếc về việc không sử dụng còi báo động khi đám cháy bắt đầu lan rộng vào ngày 8.8. Ông Andaya lập luận còi báo động chủ yếu được sử dụng để cảnh báo khi sóng thần đến gần khu vực và nếu chúng phát ra âm thanh, nhiều người dân sẽ chạy lên sườn núi, nơi đám cháy đang ở mức tồi tệ nhất. Ông nhấn mạnh quy định đối với các vụ hỏa hoạn là gửi thông báo qua tin nhắn, thư thoại và điện thoại cố định, đồng thời thông báo trên ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, ngọn lửa đã nhanh chóng phá hủy mạng lưới liên lạc, theo giới chức địa phương.
NASA: Cháy rừng Hawaii là hệ quả của nhiệt độ tăng, 2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận
Hôm qua, một con đường chính xuyên qua thị trấn Lahaina lần đầu tiên được mở lại sau nhiều ngày. Nhà Trắng cũng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ tới Hawaii vào ngày 21.8 để gặp gỡ những người sống sót sau thảm họa cũng như các quan chức.
Gấp rút sơ tán
Trong lúc Hawaii đang khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra, giới chức Canada hôm qua đã ra lệnh sơ tán người dân khỏi thủ phủ Yellowknife của Vùng lãnh thổ Tây Bắc và một số cộng đồng nhỏ hơn, khi một đám cháy rừng lớn đe dọa thị trấn Hay River trong đêm, theo Reuters. Giới chức cho hay ngọn lửa có thể lan tới Yellowknife vào cuối tuần này nếu không có mưa. Canada đang trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất với hơn 1.000 đám cháy đang bùng phát trên khắp đất nước, trong đó có 230 đám cháy ở Vùng lãnh thổ Tây Bắc.
Cháy rừng cũng đang hoành hành trên đảo nghỉ dưỡng Tenerife trong quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha. AFP hôm qua dẫn lời giới chức cho hay khoảng 250 lính cứu hỏa ngày 17.8 đã chiến đấu với đám cháy rừng "ngoài tầm kiểm soát" ở Tenerife, buộc họ phải cho tạm dừng lưu thông trên một số con đường và ra lệnh sơ tán 5 ngôi làng. Lãnh đạo chính quyền khu vực Fernando Clavijo cho hay đám cháy, bùng phát vào tối 15.8, đã thiêu rụi khoảng 1.800 ha.
Vụ cháy rừng xảy ra sau khi quần đảo Canary hứng chịu một đợt nắng nóng khiến nhiều khu vực trở nên khô cằn, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Các nhà khoa học cho rằng các đợt nắng nóng có nhiều khả năng xảy ra hơn do biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng theo thời gian, các đợt nắng nóng được dự đoán sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
Nhiệt độ "bầu ướt" nguy hiểm ra sao
Nhật cảnh báo đỏ về say nắng
Bộ Môi trường Nhật Bản hôm qua ra cảnh báo đỏ về say nắng cho vùng đô thị Tokyo khi sức nóng mùa hè tiếp tục thiêu đốt nhiều vùng của nước này, theo Tân Hoa xã. Cơ quan thời tiết của Nhật Bản hôm qua cũng đã ban hành cảnh báo say nắng cho 8 tỉnh, trong đó có cả Iwate và Fukushima, với nhiệt độ lên tới 35 độ C.
Bình luận (0)