Vụ cháy rừng xảy ra bất ngờ trước bình minh và kéo dài đến chiều 9.8 (giờ địa phương) trên đảo Maui và đảo Hawaii (hay đảo Lớn) thuộc bang Hawaii, giữa lúc gió mạnh do bão Dora ở xa gây ra đã khiến lửa càng thêm dữ dội. Ngoài 36 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, ít nhất 271 công trình bị thiêu rụi hoặc hư hại, theo giới chức ở Hawaii.
Khung cảnh tận thế
Rút ngắn kỳ nghỉ để trở về ứng phó thảm họa, Thống đốc Hawaii Josh Green hôm qua cho biết phần lớn diện tích thị trấn Lahaina nằm trên đảo Maui đã bị phá hủy và hàng trăm gia đình địa phương đã phải sơ tán. Ông dự định gửi yêu cầu tuyên bố thảm họa tới Tổng thống Mỹ Joe Biden sau khi đánh giá thiệt hại sơ bộ, có thể là trong một hoặc hai ngày tới, theo CNN.
Số người thiệt mạng vì cháy rừng tại Hawaii tăng mạnh
Nguyên nhân chính xác gây ra cháy rừng vẫn chưa được xác định, nhưng một số yếu tố, bao gồm gió lớn, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô, có thể góp phần dẫn đến thiên tai, theo tướng Kenneth Hara tại cơ quan phòng vệ bang Hawaii. The Guardian cho hay ngọn lửa dường như đã đốt cháy thảm thực vật đầu tiên và sau đó nhanh chóng lan sang các khu dân cư cùng với những cơn gió có tốc độ lên tới 100 km/giờ. Đám cháy sau đó lan tới Lahaina, thiêu rụi các tòa nhà bằng gỗ ở trung tâm thị trấn hình thành từ những năm 1700 và nằm trong danh mục Địa điểm lịch sử quốc gia của Mỹ.
Video quay từ trên không cho thấy hàng chục ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở Lahaina bị lửa phá hủy, bao gồm các công trình ở đường Front Street mà du khách hay lui tới. Theo hình ảnh vệ tinh của Maxar, hàng loạt địa điểm lịch sử ở Lahaina đã bị cháy rụi, bao gồm một cây đa thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ, được đưa đến từ Ấn Độ vào năm 1873. "Chúng tôi vừa trải qua thảm họa tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Toàn bộ Lahaina bị cháy thành tro. Khung cảnh giống như tận thế", The Guardian dẫn lời một cư dân Lahaina tên Mason Jarvi.
"Thiên đường" đóng cửa
Reuters dẫn lời cơ quan giao thông Hawaii cho hay hơn 11.000 du khách đã được sơ tán khỏi đảo Maui trong ngày 9.8. Mặc dù ít nhất 16 con đường đã bị đóng, sân bay Maui vẫn hoạt động bình thường và các hãng hàng không đã giảm giá vé trong nỗ lực đưa du khách rời đảo. Khoảng 1.500 người dự kiến bay đi từ sân bay Maui trong ngày 10.8. Các máy bay trực thăng của quân đội Mỹ đã được triển khai để khống chế ngọn lửa. Tuần duyên Mỹ được điều động đến Lahaina để cứu những người nhảy xuống biển tìm đường thoát thân. 12 người đã được cứu hộ và đưa lên một chiếc thuyền của lực lượng này.
Trong khi việc khắc phục hậu quả cháy rừng có thể mất nhiều năm, Thống đốc Green thông báo hạt Maui hiện không có đủ cơ sở vật chất để người dân mất nhà cửa có thể sinh sống lâu dài. Ông cũng kêu gọi du khách không tới đảo Maui vào thời điểm này, vì nhiều khách sạn và cơ sở lưu trú khác cần được trưng dụng để làm chỗ tạm trú. "Chúng tôi sẽ chào đón du khách trở lại thiên đường này sau khi cháy rừng chấm dứt và sau khi chúng tôi có thể tái thiết", ông Green nói với CNN.
Mùa hè cháy rừng
Tình hình ở Hawaii gợi lại cảnh tàn phá ở những nơi khác trên thế giới vào mùa hè này. Các vụ cháy rừng xảy ra vì nắng nóng kỷ lục đã khiến hàng chục ngàn người phải sơ tán ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các khu vực khác của châu Âu, trong khi miền tây Canada chứng kiến những đám cháy nghiêm trọng bất thường. Các nhà khoa học cho biết tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, được thúc đẩy bởi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đang làm tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy.
Bình luận (0)