Hôm 1.11, tại khuôn viên trụ sở UBND xã Nga Bạch (H. Nga Sơn, Thanh Hóa), Ủy ban tổ chức họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 thì bất ngờ có tiếng hô hoán. Cháu N.T.N (7 tuổi, ngụ thôn Bạch Hải) bị đuối nước ở ao trong khuôn viên UBND xã.
Ngay lập tức, anh Đào Thanh Bình, Bí thư Đoàn xã, lao thẳng ra ao vớt nạn nhân lên bờ, tiến hành hà hơi thổi ngạt, ép tim lồng ngực để cứu nạn nhân. Sau khoảng 5 phút sơ cứu, nạn nhân vẫn tím tái, bất tỉnh, nên thượng úy Hà Minh Hải, Phó công an xã, Bí thư Chi đoàn Công an xã, theo kinh nghiệm dân gian vác ngược nạn nhân lên vai chạy nhiều vòng quanh sân.
Sau khi hà hơi thổi ngạt, động tác tiếp theo là ép lồng ngực để mở đường thở cho trẻ |
c.t.v |
Sự việc này được nhiều người dùng mạng xã hội hết sức khen ngợi tinh thần cứu người của 2 cán bộ chiến sĩ xã Nga Bạch (tỉnh Thanh Hoá).
Tuy nhiên, bạn trẻ cần lưu ý để hiểu rõ hơn về những kỹ năng, kỹ thuật ứng cứu hiệu quả khi trẻ nhỏ gặp đuối nước.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, cựu VĐV bơi quốc gia, HLV bơi lội Nguyễn Thành Nam, cho biết đầu tiên, người muốn cứu hộ trẻ bị đuối nước là phải biết bơi. Việc cứu hộ trẻ bị đuối nước cần phải linh hoạt, nhanh nhạy và đúng kỹ thuật.
Theo HLV Nam, có 2 trường hợp khi trẻ bị đuối nước là bất tỉnh và đang vùng vẫy dưới hồ sâu. Với trường hợp trẻ bất tỉnh, người cứu hộ cần phải nhanh chóng bơi đến, dùng những động tác nâng trẻ lên mặt nước rồi từ từ di chuyển vào trong. Đối với trẻ đang vùng vẫy mạnh, người cứu cần phải bình tĩnh quan sát xung quanh, tìm phao, dây, cây dài hoặc vật dụng có thể cứu được trên mặt đất để nạn nhân có thể với lấy và kéo vào. Tuy nhiên, nếu không tìm được vật dụng như trên, người cứu hộ phải bơi đến và tiếp cận từ đằng sau.
“Tình huống này không thể tiếp xúc nạn nhân từ phía trước, có như thế để tránh tình trạng nạn nhân quơ quào làm cho cả hai bị đuối theo. Sau đó kê đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi kéo vào từ từ”, HLV Nam cho biết.
Anh Nam cũng nói tiếp, khi đưa trẻ lên bờ, bước tiếp theo phải nhanh chóng làm sơ cấp cứu bằng cách hà hơi thổi ngạt, tác động tim vật lý để kéo hơi thở trở lại.
Nên đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu thấy trẻ bất tỉnh hãy xem trẻ còn thở hay không. Kiểm tra trong miệng trẻ có những dị vật làm cảng trở đường thở và lấy ra nhanh chóng. Khi trẻ ngưng thở, tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo trong 2 phút để mở đường thở cho trẻ.
Trường hợp trẻ còn thở, hãy đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên để trẻ nôn ói nước hoặc các chất khác ra ngoài. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp lên người trẻ chăn hay một tấm khăn khô. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
“Thời gian gần đây tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng tăng cao. Nguyên nhân do trẻ em vẫn chưa được phổ cập bơi lội, thích bơi ra những chỗ sâu, bơi chưa đúng chuẩn và bị chuột rút. Để tránh tình huống rủi ro, cha mẹ nên cho trẻ tập bơi và chính phụ huynh cũng nên tập những biện pháp an toàn nước để biết được khi con gặp nguy hiểm”, HLV Nam chia sẻ.
Bác sĩ Đỗ Sanh Hữu Tín (bệnh viện Đa khoa TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho rằng phương pháp hà hơi thổi ngạt, ấn tim vào lồng ngực là ưu tiên hàng đầu trong cấp cứu theo chuẩn quốc tế. Nó được ưu tiên trong việc cấp cứu hỗ trợ người bị đuối trong những tình huống cấp cứu qua nhiều bước chuyên nghiệp.
Còn vác trẻ lên vai, đầu hướng xuống đất là phương pháp cấp cứu dân gian người dân hay sử dụng. Việc này không hiệu quả bằng cách cấp cứu thổi ngạt, ép tim và có thể gây ra ngạt thở khi chưa lấy dị vật trong miệng nạn nhân ra. Ngoài ra có thể làm nước tràn vào phổi khiến trẻ dễ bị nghẹt thở. “Tuy vậy, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, khi trong tình huống khẩn cấp, quên cách cứu hộ thì biện pháp dân gian này có thể sử dụng để cứu người bị đuối nước”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Bình luận (0)