Khi Trung Quốc có hải quân lớn nhất thế giới

10/11/2021 07:20 GMT+7

Theo báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng hải quân biên chế có nhiều tàu quân sự nhất thế giới và đang ngày càng tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

Tờ South China Morning Post vừa dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc (PLA) cho hay hải quân nước này trong tháng 12 tới sẽ đưa vào sử dụng chiếc thứ 4 của lớp tàu khu trục Type 055.

Hải quân Trung Quốc ngày càng sở hữu lực lượng hùng hậu

CGTN

Có hơn 350 tàu quân sự

Tàu khu trục Type 055 có độ choán nước hơn 12.000 tấn và dài gần 180 m, nên có kích thước ngang với tàu tuần dương lớp Ticonderoga của Mỹ, dù vẫn nhỏ hơn tàu khu trục lớp Zumwalt mà Mỹ đang sở hữu. Ngoài hệ thống pháo chính 130 mm và pháo cận chiến 30 mm có thể dùng để phòng không, tàu Type 055 được trang bị đến 128 ống phóng tên lửa thẳng đứng, nên lớp tàu này thuộc nhóm tàu chiến nổi có hỏa lực mạnh nhất hiện nay trên thế giới. Đến nay, PLA đã đưa vào sử dụng 3 chiếc Type 055 trong chiến lược đẩy nhanh hiện đại hóa lực lượng hải quân.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3.11 đã có báo cáo thường niên về các sự phát triển liên quan quân sự và an ninh Trung Quốc năm 2020. Theo đó, PLA đã có đến 355 phương tiện quân sự hải quân, nhiều hơn con số chưa đầy 300 phương tiện của hải quân Mỹ (chưa tính số tàu dự phòng hiện không được biên chế hoạt động).

Trong đó, ngoài 2 tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông, Trung Quốc còn có khoảng 32 tàu khu trục cùng gần 50 tàu hộ tống và gần 90 tàu tác chiến nhanh mang tên lửa. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hơn 70 tàu ngầm các loại.

Xa hơn, theo kế hoạch thì đến năm 2025, Trung Quốc sẽ sở hữu khoảng 420 tàu quân sự và con số này năm 2030 là 460 tàu, tức cũng vượt xa kế hoạch bổ sung tàu quân sự mà hải quân Mỹ đang theo đuổi.

Nhiều nhưng không tinh ?

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên ngày 9.11, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất nhưng không phải lực lượng hải quân mạnh nhất”.

Cụ thể, TS Nagao cho rằng: “Dù cả Mỹ và Trung Quốc đều sở hữu khoảng 70 - 80 tàu ngầm, nhưng tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều là tàu ngầm hạt nhân, nhưng chỉ có 13 tàu ngầm của Trung Quốc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường là năng lực hoạt động”.

Trung Quốc bàn giao tàu chiến hiện đại bậc nhất cho Pakistan

Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 8.11 đã bàn giao một chiếc khinh hạm Type 054A/P do Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) thiết kế và chế tạo cho hải quân Pakistan. Con tàu được đưa vào vận hành tại Thượng Hải.

Con tàu mang tên PNS Tughril này là chiếc đầu tiên trong số 4 khinh hạm Trung Quốc đóng cho hải quân Pakistan theo một thỏa thuận được ký vào năm 2017. Đây cũng là tàu chiến lớn nhất và tiên tiến nhất Bắc Kinh từng xuất khẩu.

Theo CSSC, PNS Tughril được trang bị hệ thống quản lý chiến đấu mới do CSSC phát triển, các cảm biến và vũ khí tiên tiến.

Ngoài các khinh hạm Type 054A/P, hải quân Pakistan còn đặt mua tàu ngầm và máy bay không người lái của Trung Quốc trong nỗ lực hiện đại hóa hạm đội.

Đông A

Thực tế, nếu Trung Quốc chiếm ưu thế về số tàu chiến nổi tầm gần, mà điển hình là các tàu tác chiến tên lửa có kích thước nhỏ, thì Mỹ lại vượt trội về số chiến hạm cỡ lớn, năng lực tác chiến tầm xa. Điển hình, Mỹ có đến 10 tàu sân bay và định hình kèm theo là 10 nhóm tác chiến tàu sân bay. Trong khi đó, cả 2 tàu sân bay của Trung Quốc đều chưa hoạt động hoàn thiện.

Hay Mỹ có đến 9 tàu đổ bộ tấn công thuộc 2 lớp Wasp và America, có thể mang theo chiến đấu cơ F-35, đóng vai trò như tàu sân bay, thì Trung Quốc vẫn đang phải phát triển các tàu đổ bộ tấn công Type 075 theo cách thức tương tự, nhưng chưa thể đảm bảo năng lực tác chiến tương xứng.

Bên cạnh đó, theo TS Nagao, Trung Quốc không có nhiều đồng minh và đối tác. Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác. Gần đây, không chỉ Mỹ, mà cả Anh, Pháp, Canada cũng điều tàu chiến tới eo biển Đài Loan. Ông ước lượng Mỹ có 52 đồng minh chính thức, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Úc, New Zealand ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pafific). Mỹ cũng có những đối tác mới như Ấn Độ.

Theo TS Nagao, Trung Quốc chỉ có đồng minh chính thức duy nhất là Triều Tiên. Và gần đây Trung Quốc hợp tác với Nga, Pakistan, Myanmar... Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cần đối phó với tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ thì sức mạnh quân sự của Trung Quốc là không đủ.

Ngoài ra, TS Nagao cho rằng không thể đánh giá thấp sức mạnh của Mỹ và các đồng minh khác. “Trung Quốc đang tìm cách loại trừ tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài trong chuỗi đảo thứ nhất. Trung Quốc đang cải thiện sức mạnh hải quân, sức mạnh không quân và lực lượng tên lửa để loại trừ lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động bên trong. Đối với Trung Quốc, hầu hết các thành phố dẫn dắt sự phát triển kinh tế đều nằm dọc theo đường ven biển, và chuỗi đảo đầu tiên là tuyến phòng thủ cho các thành phố này”.

Chiến lược 3 chuỗi đảo vốn do Mỹ xây dựng nhằm vây xung quanh Trung Quốc và Liên Xô. Theo đó, chuỗi đảo thứ nhất bắt đầu tại quần đảo Kuril/Chishim, kết thúc ở Borneo và phần phía bắc của Philippines. Chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines. Chuỗi đảo thứ ba bắt đầu tại quần đảo Aleutian và kết thúc ở châu Đại Dương, mà phần quan trọng là vị trí quần đảo Hawaii.

“Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines… không thể cho phép Trung Quốc làm điều đó. Một khi Trung Quốc loại trừ các lực lượng quân sự nước ngoài trong các chuỗi đảo đầu tiên, Đài Loan sẽ bị Trung Quốc đánh đổ và Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động của họ ra ngoài các chuỗi đảo đầu tiên. Do đó, đối với Mỹ và các đồng minh và đối tác, chuỗi đảo thứ nhất là tuyến phòng thủ duy nhất để ngăn chặn các hoạt động quân sự của Trung Quốc về mặt địa lý”, TS Nagao phân tích và cho rằng Mỹ cùng các đồng minh, đối tác cần tăng ngân sách quốc phòng và hợp tác để duy trì cân bằng quân sự với Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.