Khi vai phụ tỏa sáng màn ảnh nhỏ

Nguyên Vân
Nguyên Vân
06/09/2020 07:01 GMT+7

'Chiếm sóng' trong bất kỳ bộ phim nào, dĩ nhiên luôn là nhân vật chính. Song có không ít vai phụ bất ngờ nổi như vai chính (thậm chí được chú ý hơn) vì điểm xuyết ấn tượng của mình.

Cuốn hút từ điểm nhấn phụ

Khán giả đang theo dõi phim Cát đỏ (đạo diễn - NSƯT Lưu Trọng Ninh, được phát sóng trên VTV3), bên cạnh sự quan tâm dành cho số phận éo le, trắc trở của 3 nhân vật chính, có lẽ bắt đầu chú ý hơn đến nhân vật người phụ nữ chăn bò Hồng Hoang (do Kim Huyền thủ vai). Hồng Hoang thu hút người xem không chỉ vì Kim Huyền tái xuất sau thời gian vắng bóng nhiều năm qua (sang Nhật du học), mà chính bởi nét diễn vừa tưng tửng vừa chân thật, vừa như đầy toan tính lại vừa phớt đời giữa cuộc sống bỏng rát của gió cát và thị phi, khiến người ta phải tò mò về tính cách, thân phận của nhân vật ấy.

Những diễn viên có nghề không quan trọng chuyện chính - phụ, thậm chí họ thường thích nhận vai phụ, vì thể hiện nhiều màu sắc khác nhau, mang đến nhữngthử thách cho chính họ

Đạo diễn - NSƯT Phương Điền

Tuy không tiết lộ nhiều về vai diễn này trong buổi ra mắt phim, nhưng với Kim Huyền, đó là nhân vật phụ khiến cô gật đầu ngay sau khi đọc kịch bản, còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết ông thật sự rất hứng thú với nhân vật này. “Một người phụ nữ luôn khát khao tình yêu nhưng bên ngoài vẫn sợ yêu, để rồi khi có được người mình yêu, chính cô hủy hoại tình yêu đó vì… cách yêu lạ lùng của mình”, Kim Huyền chia sẻ.
Nói về những vai phụ trong phim, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhìn nhận vẻ đẹp của một tác phẩm không chỉ đến từ nhân vật chính, mà còn được điểm xuyết bởi những vai phụ, những câu chuyện phụ, những tính cách phụ, làm dày dặn cho bộ phim. Quan trọng là những diễn viên vào vai phụ ấy phải biết cách tận dụng những khả năng, lợi thế của mình để “ghi điểm” với người xem. Nói đến điều này, bỗng nhớ đến vai diễn “nhỏ mà có võ” của diễn viên Xuân Nghị - anh cảnh sát Đức trong phim Ngày ấy mình đã yêu (đạo diễn Khải Anh). Nhân vật Đức trong phim này dù ít đất diễn nhưng mỗi lần xuất hiện lại khiến người xem khoái chí. Một cảnh sát nghiêm nghị nhưng thốt ra câu nào cũng khiến người ta phì cười vì chất giọng địa phương độc đáo. Cũng chính vai diễn này cùng câu thoại: “Đó không phải là sự quan tâm, đó là “cần trô” (control), anh với em chưa đủ thân thiết đến mức độ em “cần trô” anh” đã gây “bão mạng” và mang đến cho Xuân Nghị biệt danh Mr. Cần Trô từ đó.
Khán giả xem truyền hình hẳn còn ấn tượng với bà Mỹ (Thanh Tú đóng) trong phim Chạy trốn thanh xuân (đạo diễn Vũ Minh Trí - Nguyễn Đức Hiếu). Vào vai người mẹ khiến cộng đồng mạng xếp vào danh sách “những bà mẹ gây ức chế” của phim Việt, nhưng bà Mỹ cũng gây “thương nhớ” cho người xem với tính cách tai quái thú vị cùng loạt thoại hợp thời đánh trúng tâm lý khán giả, ví như: “Trứng có thể khôn hơn vịt nhưng nhanh ung lắm con ạ!”.
Khi vai phụ tỏa sáng màn ảnh nhỏ

Kim Huyền với vai phụ ấn tượng trong phim Cát đỏ

Vai phụ làm nên danh xưng “nữ hoàng”

Xuất hiện trong phim không nhiều, tên tuổi cũng không “hot” như diễn viên thủ vai chính nhưng vẫn nhận được sự yêu mến của khán giả, đó chính là những tên tuổi sở hữu hàng trăm vai phụ như: Hoài An, Phi Phụng, Thụy Mười, Phương Dung… Thậm chí những nghệ sĩ này còn được công chúng dành tặng danh xưng “nữ hoàng vai phụ”.
Gắn bó với nghiệp diễn 20 năm qua, “gia tài” của diễn viên Thụy Mười “đồ sộ” với hàng trăm vai khác nhau từ sân khấu đến màn ảnh. Thụy Mười cho biết chị không ngại khi nhiều năm qua liên tục diễn vai phụ. Bởi với chị, vai phụ nhưng có tính cách riêng, đôi khi xuất hiện ít nhưng biết diễn xuất thì hóa ra hay, và “vai phụ làm nên sự nghiệp của tôi” như chị chia sẻ.
Với nụ cười hiền cùng má lúm đồng tiền trên gương mặt tròn dễ tạo thiện cảm cùng diễn xuất đầy tin cậy, Hoài An hầu như được các đạo diễn trao các vai chịu thương chịu khó, có số phận truân chuyên, mà vai nào cũng đẫm nước mắt từ người diễn đến người xem (có thể kể đến như: Gọi giấc mơ về, Hoa dại, Tường vi cánh mỏng, Cay đắng mùi đời, Ngã rẽ cuộc đời, Hoa cúc vàng trong bão...). Cũng vì khóc nhiều nên mắt chị bị ảnh hưởng, đến mức bác sĩ cảnh báo nếu chị tiếp tục đóng vai bi thì có khi phải cắt tuyến lệ và thậm chí sẽ không khóc được nữa. Dù sau này, khán giả thấy Hoài An phát huy diễn xuất ở các vai… không khóc và cá tính mạnh mẽ hơn, nhưng dấu ấn của chị với khán giả vẫn luôn đến từ vai phụ bi thương.
Diễn viên Phi Phụng từng chia sẻ diễn bi rất mệt, vì dù khóc theo tâm lý của nhân vật, xong rồi thôi nhưng sau đó thì mắt người diễn sưng, tâm trạng nặng nề... Đó cũng là lý do mà trong lần trò chuyện gần đây ở show truyền hình, chị bảo ngày xưa nếu tuồng nào buồn thì ngại đi xem và đến nay vẫn chỉ thích xem phim hoạt hình cùng với con gái, cháu ngoại. Và trái với Hoài An, diễn viên Phi Phụng dù hóa thân vào đa dạng tính cách nhân vật, nhưng chị cho biết bản thân thích những vai hài hơn vai bi, và chính khán giả cũng thích thú với những vai sang sảng tiếng cười, hoạt náo mang nét rất đặc trưng của chị.
Theo đạo diễn - NSƯT Phương Điền: “Những diễn viên có nghề không quan trọng chuyện chính - phụ, thậm chí họ thường thích nhận vai phụ, vì thể hiện nhiều màu sắc khác nhau, mang đến những thử thách cho chính họ”. Bởi như anh chia sẻ, vai chính thường bị đóng khung ở hai dạng đối lập: thiện - ác, đáng thương - bị căm ghét, còn vai phụ, tuy đất diễn không nhiều nhưng sự xuất hiện của họ trong phim đều có “tính toán” của biên kịch, là những “gia vị” làm tăng thêm sự đậm đà của câu chuyện phim.
Có lẽ vì thế mà dù kinh qua không ít vai chính nhưng Lê Bê La đã không ngại trở lại vai phụ - cô hầu Hiểm trong phim Tiếng sét trong mưa. Và cô đã tỏa sáng ở vai phụ này, khiến người ta vừa ghét vừa thương với lối diễn khác hẳn các nhân vật luôn gây cảm thương mà Lê Bê La thể hiện trước đó. Sắp tới ở phim Vua bánh mì, khán giả sẽ gặp lại các diễn viên tên tuổi: Trương Minh Quốc Thái, Cao Minh Đạt, Nhật Kim Anh… trong vai phụ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.