Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương giải thể chi nhánh DIC Star Apart’Hotel Landmark Vũng Tàu. Chi nhánh được thành lập vào tháng 8.2019. Động thái đóng cửa chi nhánh được công bố sau khi doanh nghiệp này vừa thông qua kế hoạch mua lại 1.000 tỉ đồng trái phiếu mã DIGH2124001 phát hành 16.9.2021.
Hay Hội đồng quản trị Công ty CP Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM) vừa thông qua việc thoái vốn đang nắm giữ tại Công ty Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAV). Giá chuyển nhượng tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu. Tính đến cuối năm 2022, TCM đang có 3 công ty liên kết, trong đó đang nắm 20,59% vốn điều lệ của Savimex, tương đương với giá trị đầu tư ghi nhận trên báo cáo tài chính năm 2022 hơn 24 tỉ đồng.
Hay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng công bố kế hoạch thoái vốn hàng loạt công ty con từ ngân hàng đến vật liệu xây dựng. Dù vậy mới đây, phiên đấu giá cổ phần của Công ty CP Vật liệu xây dựng và chất đốt Đồng Nai do Petrolimex sở hữu vào 8.3 không thể diễn ra do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Không chỉ là những đơn vị thu hẹp hoạt động, thoái vốn ở công ty khác mà thậm chí, Hội đồng quản trị Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương (KHD) vừa thông qua nghị quyết tạm dừng hoạt động sản xuất do không còn nguồn nguyên liệu (không còn trữ lượng để khai thác do các giấy phép khai thác mỏ hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn).
Theo đó, KHD sẽ tạm dừng sản xuất từ 14.3 cho đến khi tìm được nguồn nguyên liệu để tiếp tục sản xuất hoặc có phương án sản xuất khác. Theo báo cáo thường niên, từ năm 2021, công ty rơi vào tình trạng khó khăn do trữ lượng mỏ thấp. Năm 2022, tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục đi xuống với doanh thu thuần giảm 65,5%, lỗ ròng hơn 2,4 tỉ đồng...
Trước đó trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) thông tin qua khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết tháng 2.2023 cho thấy, có đến 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn gồm thị trường bị thu hẹp (41,2%); hàng tồn kho nhiều (30,1%); giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%). Ngoài ra, số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, lý do vì không có đơn hàng dự trữ...
Bình luận (0)