Khó lường căng thẳng Armenia - Azerbaijan

Văn Khoa
Văn Khoa
16/09/2022 06:30 GMT+7

Tuy vụ đụng độ chết người mới giữa Armenia và Azerbaijan có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng quan hệ hai bên được cho là vẫn leo thang căng thẳng.

Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan hôm qua (15.9) tuyên bố nhờ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn từ 20 giờ ngày 14.9 (giờ địa phương) sau 2 ngày xảy ra cuộc đụng độ ở khu vực biên giới, theo Hãng tin TASS.

Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc giao tranh Armenia - Azerbaijan ở TP.Sotk thuộc Armenia

Cáo buộc lẫn nhau

Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng quân đội Azerbaijan lúc 0 giờ 5 ngày 13.9 (giờ địa phương) pháo kích dữ dội vào những khu định cư ở các thành phố Goris, Sotk và Jemruk, nên quân đội Armenia “đáp trả tương xứng”. Trong khi đó, chính phủ Azerbaijan cáo buộc Armenia “đã bắt đầu các cuộc khiêu khích lan rộng” chống lại lực lượng vũ trang Azerbaijan và lực lượng này đã đáp trả bằng cách “khai hỏa dữ dội” vào các vị trí của Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc “các nhóm phá hoại” người Armenia dùng mìn phá hủy các con đường và nã súng cối vào các vị trí của quân đội Azerbaijan gần thị trấn Basarkecher, Istisu, Garakilsa và Gorus ở khu vực biên giới thuộc Azerbaijan cuối tuần trước, gây ra “tổn thất về nhân lực và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quân sự”, theo Đài RT.

Trong lúc đụng độ tiếp diễn, Hội đồng An ninh Armenia sáng 13.9 tổ chức cuộc họp khẩn cấp và quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga, cũng như Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu và cả HĐBA LHQ, theo TASS. Khi đó, Yerevan cáo buộc các lực lượng Azerbaijan cố tiến vào lãnh thổ Armenia. Baku thì nói rằng những báo cáo về một “cuộc xâm lược toàn diện” của Azerbaijan vào lãnh thổ Armenia là “sai sự thật”, khẳng định họ chỉ phản ứng trước “các hành động khiêu khích của Armenia”.

Sau đó cùng ngày, Azerbaijan tuyên bố “những hành động khiêu khích của lực lượng Armenia tại biên giới đã được ngăn chặn và tất cả mục tiêu cần thiết đã được hoàn thành”, theo AFP. Đến ngày 14.9, Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định các vụ nổ súng ở khu vực biên giới đã dừng lại. Cùng ngày, Armenia xác nhận 105 binh sĩ nước này thiệt mạng trong vụ đụng độ mới, còn Azerbaijan thông báo có 50 binh sĩ tử trận.

Căng thẳng leo thang?

Cuộc đụng độ mới nói trên cho thấy sự leo thang căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia trong lúc hai nước này có cuộc tranh chấp kéo dài hàng chục năm về vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, theo Đài RT. Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ do người Armenia kiểm soát từ đầu thập niên 1990, nhưng quyền kiểm soát hợp pháp vẫn thuộc về Azerbaijan.

Hồi đầu tháng trước, hai bên đã có cuộc đụng độ chết người tại Nagorno-Karabakh. Bộ Quốc phòng Azerbaijan khi đó tuyên bố đã tiến hành chiến dịch “Báo thù” sau khi cáo buộc lực lượng ly khai người Armenia “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận ngừng bắn giữa Baku và Yerevan, do Moscow làm trung gian vào năm 2020. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Armenia tố cáo Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi tấn công khu vực do lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga kiểm soát. Sau đó, Nga cáo buộc quân đội Azerbaijan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và cho biết cùng các bên liên quan sẽ có biện pháp nhằm ổn định tình hình, theo TASS.

Azerbaijan và Armenia đã có cuộc chiến kéo dài 6 tuần bùng phát hồi tháng 9.2020 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Chiến sự kết thúc với việc Azerbaijan giành nhiều vùng lãnh thổ và 40% diện tích Nagorno-Karabakh. Theo thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian, Armenia đồng ý rút quân khỏi hầu hết vùng lãnh thổ quanh Nagorno-Karabakh trong khi vẫn kiểm soát khu trung tâm của vùng này. Tuy nhiên, tình hình vẫn căng thẳng kể từ đó khi cả hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau kích động thù địch, theo RT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.