Khó phạt hành vi tiểu tiện bừa bãi

28/03/2014 11:15 GMT+7

Nghị định 167 quy định: người tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung công cộng và khu dân cư bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng trên thực tế, hành vi tiểu tiện bừa bãi vẫn phổ biến ở Hà Nội, gần như không ai bị xử phạt.

Nghị định 167 của Chính phủ quy định từ 28.12.2013, người tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung công cộng và khu dân cư bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng trên thực tế, hành vi tiểu tiện bừa bãi vẫn phổ biến ở Hà Nội, gần như không ai bị xử phạt.

Người dân tiểu tiện ngoài đường phố - Ảnh: Ngọc Thắng
Người dân tiểu tiện ngoài đường phố - Ảnh: Ngọc Thắng 

Tại khu vực phố Hỏa Lò, bất kể sáng, trưa hay chiều, tối, giữa lúc tấp nập người qua lại, nhiều người đàn ông vẫn vô tư “giải quyết nỗi buồn” ngay sát tường của TAND TP.Hà Nội và TAND tối cao.

Khu vực ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai cũng được coi là một điểm đen về tình trạng tiểu tiện bừa bãi của xe ôm, lao động tự do, người qua đường. Được biết, trước đây khi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam còn đi lại qua lối cổng đường Đội Cấn, nạn tiểu tiện bừa bãi chưa hoành hành ở đây. Nhưng từ khi cơ quan này chuyển qua đi lối cổng mặt đường Liễu Giai, phần vỉa hè có nhiều bóng cây (giờ là cổng phụ) trên đường Đội Cấn bắt đầu loang lổ, bốc mùi khai nồng nặc. Không chịu nổi mùi xú uế, nhiều quán trà đá tại đây đành phải dọn đi chỗ khác.

Tại các bến xe, nhà ga ở Hà Nội, nạn tiểu tiện bừa bãi còn phổ biến hơn. Ngay vỉa hè đường Phạm Hùng (cổng vào Bến xe Mỹ Đình), đường Giải Phóng (cổng vào Bến xe Giáp Bát) xuất hiện hàng chục điểm thường xuyên có người tạt vào tiểu tiện công khai, giữa rất đông người qua lại, nhưng không thấy ai bị xử phạt.

Trao đổi với Thanh Niên, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Phi Thanh cho hay, hiện đơn vị vẫn chưa nhận được các loại văn bản hướng dẫn thực hiện việc xử lý vi phạm theo Nghị định 167, nên mọi việc mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Vẫn theo ông Thanh, tại bến xe có một khu nhà vệ sinh bán vé thu tiền để duy trì hoạt động. Những điểm vệ sinh bậy thường nằm ngoài hàng rào của bến mà “thủ phạm” chủ yếu là xe ôm, lao động tự do, người thu nhập thấp…

Tương tự, một cán bộ phụ trách Bến xe Giáp Bát cũng cho biết, rất khó xử phạt người tiểu tiện ra đường phố và trước nay vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào. “Để thực hiện Nghị định 167 thì bến xe phải thành lập tổ tuần tra, kèm với đó là biên bản xử phạt. Trường hợp phát hiện sẽ lập tức viết phiếu xử phạt. Tuy nhiên, hầu hết thủ phạm của vấn nạn tiểu tiện bừa bãi vẫn là lao động tự do, xe ôm và những người có thu nhập thấp khác. Nhiều người thà chai mặt chút chứ sẽ chẳng bao giờ chịu bỏ ra 2.000 đồng cho một lần đi tiểu”, vị này nói.

Theo Trưởng phòng Truyền thông của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Văn Dũng, việc xử phạt người tiểu tiện ở các lối đi chung, ngoài đường phố là rất cần thiết để thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn cảnh quan môi trường đô thị. “Hiện công ty chúng tôi đang quản lý 168 nhà vệ sinh công cộng. Những nhà vệ sinh này được đặt trong các ngõ phố và không thu tiền, nhưng qua khảo sát thì số nhà vệ sinh này vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu người dân. Tiến tới, chúng tôi sẽ đề xuất xây thêm nhiều nhà vệ sinh không thu tiền tại các tuyến đường, phố lớn ở thủ đô để nhằm giảm thiểu vấn nạn trên”, ông Dũng nói.

Để lập lại trật tự, xây dựng văn minh đô thị như tinh thần Chỉ thị 01 của UBND TP.Hà Nội, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc các quy định đã ban hành, đảm bảo tính răn đe của pháp luật, song song với việc đáp ứng hạ tầng cần thiết để phục vụ nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của người dân.

Hà An

>> Bữa cơm có dòi và nhu cầu đại tiểu tiện!
>> Hà Nội: Nạn đái bậy hoành hành khắp nơi
>> TP.HCM xây nhà vệ sinh công cộng 5 sao
>> Hà Nội chi 15 tỉ đồng làm 14 nhà vệ sinh công cộng
>> Quá hiếm nhà vệ sinh công cộng
>> “Đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh công cộng ở Đà Lạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.