Kể từ khi ra mắt loạt Mate 30 vào năm ngoái cho đến loạt P40 trong năm nay (bao gồm cả điện thoại mới từ Honor), tất cả điện thoại của Huawei đều sử dụng Huawei Mobile Serives (HMS) và AppGallery, mặc dù chúng vẫn dựa trên Android với giao diện người dùng EMUI 10 của Huawei.
Vì sao HMS và AppGallery có thể sống tốt
AppGallery của Huawei khá khác biệt so với Play Store của Google về những gì nó cung cấp, tuy nhiên đây là một chợ ứng dụng không hề non trẻ khi đã có khoảng 400 triệu người dùng hoạt động. Nguyên nhân vì dịch vụ của Google không phổ biến ở Trung Quốc như Mỹ và châu Âu. Nếu có điện thoại Huawei từ Trung Quốc, AppGallery đã được sử dụng từ lâu với sự hỗ trợ của HMS. Trong thực tế, AppGallery cũng đã có sẵn ở 170 quốc gia, trên 78 ngôn ngữ. Cho đến đầu năm nay, tổng số lượt tải xuống ứng dụng từ AppGallery đã lên đến hơn 210 tỉ.
Kết quả là, Huawei hoàn toàn ở vị trí khác với những gì mà Microsoft hay Samsung từng làm, khi họ cố gắng nhưng thất bại trong việc tạo ra các cửa hàng ứng dụng đối thủ của Google. Chính nhờ tầm hoạt động rộng lớn có sẵn, Huawei đã thực hiện những bước đi chiến lược dài hơn để AppGallery trở thành cửa hàng ứng dụng của riêng mình ở bên ngoài Trung Quốc.
|
Để đẩy mạnh AppGallery, Huawei thậm chí còn chi một khoản quỹ lên đến 1 tỉ USD nhằm hỗ trợ cộng đồng phát triển các ứng dụng chính cho AppGallery. Chưa dừng lại, Huawei đã hợp tác với Xiaomi, OPPO và vivo trong việc tạo ra một cửa hàng ứng dụng toàn cầu để cạnh tranh với hai ông lớn Google và Apple. Huawei cho biết đã làm việc với khoảng 1,3 triệu nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy AppGallery.
Ứng dụng nào có trên AppGallery, độ an toàn ra sao?
Tại Việt Nam, HMS đáp ứng được hầu hết nhu cầu cho người dùng như lướt web bằng Cốc Cốc, trò chuyện bằng Viber, Zalo, nghe nhạc Zing, Nhaccuatui, xem phim FPT Play, K+, mua sắm Shopee, Tiki, gọi thức ăn bằng Now, Foody… Mới đây, người dùng cũng có thể truy cập vào AppGallery để tải về HERE WeGo - ứng dụng điều hướng số 2 thế giới hiện nay, một sự thay thế cho Google Maps.
Với một số ứng dụng phổ biến trên thế giới như Twitter, Facebook, Instagram, WhatsApp, Messenger… thì AppGallery có phương thức khá thú vị là cho phép người dùng cài đặt thông qua việc điều hướng đến trang web chính của dịch vụ và cài đặt từ đó. Hạn chế duy nhất của việc này là người dùng sẽ không thể nhận được các bản cập nhật cho các ứng dụng đó trong tương lai.
|
Nhưng một thực tế là việc có các ứng dụng như vậy không nhất thiết đảm bảo sự thành công của một chợ ứng dụng khi người dùng thường sẽ tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Hãy nhớ đến Windows Phone Store của Microsoft, mặc dù có Facebook và Twitter chính thức nhưng vẫn thất bại một cách thảm hại. Tuy kho AppGallery chưa thực sự phong phú nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thần tốc, cho thấy nỗ lực rất lớn của Huawei.
Việc liên tục chiêu mộ và đưa ra những chính sách mới như chia sẻ lợi nhuận cho các lập trình viên đã giúp công ty thành công trong việc phát triển chợ ứng dụng của riêng mình. Huawei cũng đã liên hệ với các hãng ứng dụng lớn để thiết kế những ứng dụng độc quyền trên nền tảng AppGallery. Tính tới thời điểm hiện tại, Huawei AppGallery đã là kho ứng dụng số ba trên toàn cầu.
Ngoài ra, các thiết bị cài đặt AppGallery như Huawei P40 hay P40 Pro không dễ bị hack được vì chợ ứng dụng này đã được phát triển với hệ thống bảo mật bốn lớp theo bộ luật bảo mật GDPR. Trên thiết bị đầu cuối, Huawei cung cấp kiến trúc phần cứng và phần cứng hoàn chỉnh để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Các dịch vụ nhạy cảm như thanh toán và xác minh danh tính cũng được bảo mật hoàn toàn và được cách ly khỏi phần cứng của hệ thống mở để ngăn chặn việc đánh cắp thông tin.
Bình luận (0)