Chính điều này sẽ giúp nền khoa học trong nước phát triển bền vững hơn.
Từ những bài học quá khứ
|
Đức là quốc gia từng có một nền khoa học dẫn đầu thế giới trong suốt hơn một thế kỷ cho đến khi nó bị hủy hoại dưới chế độ phát xít để rồi phải nhường lại vị trí này cho Mỹ. Sau thời kỳ đó, Đức đã mất nhiều thập niên để xây dựng lại nền khoa học có vị trí như ngày nay. Liên bang Xô Viết (Liên Xô) cũng từng mất khoảng 5 thập niên để xây dựng và phát triển một nền khoa học tiên tiến nhưng sau đó trở nên lạc hậu và khủng khoảng do sự tan rã của liên bang này. Bối cảnh tương tự như vậy cũng xảy ra ở các quốc gia thuộc châu Mỹ La tinh như Brazil, Chile… khi các quốc gia ấy chịu sự cai trị của chế độ độc tài ở khoảng giữa thế kỷ 20.
Một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến sự tuột dốc của nền khoa học ở những nước trên là hiện tượng chảy máu chất xám: các nhà khoa học giỏi tìm đến những nơi có điều kiện phát triển hơn hoặc từ bỏ khoa học để chuyển qua lĩnh vực khác.
Đến thách thức hiện tại và kỳ vọng ở tương lai
Hiện tượng chảy máu chất xám vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với những nước đang phát triển như VN. Ngoài những người giỏi tự tìm các chương trình đào tạo ở nước ngoài, bên cạnh chương trình học bổng song phương, các quỹ học bổng quốc tế, nhà nước ta cũng đã triển khai đề án cử người đi đào tạo ở nước ngoài như Đề án 322, Đề án 911. Hàng chục ngàn người đã được tuyển chọn đi học ở các nước tiên tiến thông qua chương trình hợp tác này. Tuy nhiên không phải ai ra đi cũng quay về. Đã có lúc không ít người cho rằng nên xem lại tính hiệu quả của các đề án nói trên.
Đây rõ ràng là một thách thức. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ phát triển khoa học của nước nhà cũng như thực tế đang diễn ra, vẫn có những kỳ vọng.
Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong những điều kiện khó khăn nhất về kinh tế, trang thiết bị, tài liệu nghiên cứu, nền khoa học của VN vẫn đạt được những thành tựu. Đóng góp vào thành công đó là sự trở về của các nhà khoa học giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Tạ Quang Bửu… Thời gian gần đây, có sự trở về với những đóng góp ý nghĩa cho nền khoa học nước nhà của Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, Giáo sư toán Ngô Bảo Châu…
Trong bài phát biểu tại ĐH Quốc gia TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua, Giáo sư Gene Block, Hiệu trưởng Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA) - ĐH công lập đứng thứ 2 của Mỹ, cho rằng: “Một nền khoa học xuất sắc được kiến tạo bởi các nhà khoa học xuất sắc. Nhà khoa học xuất sắc sẽ đào tạo ra các nhà khoa học xuất sắc. Việc đào tạo nên được thực hiện theo phương pháp “truyền nghề”. Với những yêu cầu đó, VN cần áp dụng mô hình hợp tác mới, mang tính toàn cầu nhằm đào tạo ra những nhà khoa học xuất sắc, trở về nước công tác và tạo ra kết nối toàn cầu. Hay nói cách khác, cần biến đổi hiện tượng chảy máu chất xám (brain drain) thành tuần hoàn chất xám (brain circulation) để phát triển bền vững hơn”.
Khi đó, các nhà khoa học của VN và nước ngoài đóng vai trò hạt nhân trong mối quan hệ hợp tác, cùng xây dựng chương trình nghiên cứu, cùng chia sẻ tài nguyên phục vụ nghiên cứu. Đào tạo nhân lực nghiên cứu bấy giờ sẽ là một việc làm tất yếu. Điểm khác biệt ở chỗ công việc đào tạo được gắn với những dự án cụ thể liên quan đến vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm, không quá xa rời điều kiện và môi trường làm việc ở VN và cùng chia sẻ các kết quả, công trình nghiên cứu quốc tế.
Chương trình hợp tác trong lĩnh vực khoa học y sinh mà cụ thể là chương trình nghiên cứu về ung thư giữa UCLA và ĐH Quốc gia TP.HCM là một ví dụ như thế. Giáo sư Fuyu Tamanoi (UCLA) và các cộng sự ở ĐH Quốc gia TP.HCM đã cùng xây dựng và phát triển chương trình nghiên cứu chung về ung thư, phát huy thế mạnh của phòng thí nghiệm tế bào gốc thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, về khả năng sàng lọc và phát triển thuốc điều trị ung thư từ các dược liệu quý của VN. Ba cán bộ nghiên cứu trẻ của ĐH Quốc gia TP.HCM đã được cử qua tập huấn tại UCLA để thực hiện các nghiên cứu liên quan.
PGS-TS Vũ Hải Quân
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
>> Hội tụ chất xám Việt toàn thế giới
>> Vẫn chảy máu chất xám trong cán bộ, công chức
>> Chất xám" Việt kiều thiếu "thảm đỏ
>> Để "chất xám về nguồn
Bình luận (0)