Khoác 'áo mới' cho thơ Việt

Khoác 'áo mới' cho thơ Việt

18/02/2022 09:45 GMT+7

Thiết kế lại những trang trình bày các bài thơ quen thuộc bằng nhiều phong cách đa dạng, chàng trai 9X đã làm sống lại kỷ niệm tuổi học trò thông qua dự án 'Thơ Việt thời áo trắng'.

Luồng gió mới cho bài thơ cũ

“Thơ Việt thời áo trắng” là dự án thiết kế lại những trang trình bày 40 bài thơ nổi bật đã được học trong nhà trường do Đặng Hải Đăng (26 tuổi, ngụ TP.HCM) thực hiện. Khác với những trang sách giáo khoa (SGK) trắng đen dày đặc chữ, sản phẩm của chàng trai 9X có sự đan xen giữa thơ và các yếu tố đồ họa, tạo ra trải nghiệm mới lạ cho người xem.

“Thơ Việt thời áo trắng” của Hải Đăng bắt mắt người xem nhờ đa dạng phong cách thiết kế

NVCC

“Trước giờ, tôi luôn ấp ủ làm những dự án cá nhân để lan tỏa giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt. Tôi chọn thơ vì đây là loại hình giàu tính gợi cảm, và tôi muốn làm sống lại một lần nữa những vần thơ cũ trong tâm trí mọi người, với một giao diện mới mẻ hơn”, Đăng kể, cho biết thêm anh cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng học thơ đến những bạn học sinh trung học.

Điểm chung của các bài thơ là đều xuất phát từ chương trình học THCS và THPT mà theo Đăng, “nhắc đến tên mọi người cũng có ít nhiều ấn tượng”. Đó là khâu chọn lọc nội dung. Tiếp theo, anh tìm tư liệu và văn bản của các bài thơ, đối chiếu với SGK. “Với mỗi bài thơ, tôi xác định ngôn ngữ đồ họa nào có thể thích hợp để thể hiện, tìm thêm hình ảnh nếu cần thiết rồi thiết kế thành sản phẩm hoàn chỉnh”, anh trần thuật.

Bén duyên với thiết kế đồ họa được 4 năm, chàng trai quê Bến Tre tự nhận bản thân không có năng khiếu ở lĩnh vực này. Thời phổ thông, anh thường “vọc” PowerPoint để làm các banner, poster vui, đến khi lên đại học thì tham gia vào câu lạc bộ thiết kế ở trường, bắt đầu tìm hiểu cách dùng các phần mềm đồ họa.

“Vì quá đam mê nên tôi tiếp tục dấn thân để phát triển kỹ năng và tư duy. Người có năng khiếu thì đi nhanh, còn tôi chịu khó học hỏi, chậm rãi bước trên hành trình trở thành phiên bản tốt hơn qua từng ngày”, Đăng nói.

Chính sự nhẫn nại đó đã giúp chàng trai 9X kiên trì thực hiện dự án trong 3 tháng liền, dù đối mặt với dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, phải vừa làm việc trên công ty, vừa thích ứng với tình hình mới. “Cũng có rất nhiều bạn luôn quan tâm và ủng hộ dự án, tạo động lực giúp tôi hoàn thành trọn vẹn”, anh tâm sự.

Đăng chọn minh họa nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tông màu trắng đen chủ đạo

NVCC

Thử thách không gian sáng tạo

Để tạo điểm nhấn và thử thách bản thân, Đăng chọn gói ghém tất cả nội dung thiết kế chỉ trong một ô vuông. “Khi giới hạn khung hình, mình sẽ thể hiện được gì, xử lý bố cục và hình ảnh ra sao?” là câu hỏi anh luôn đặt ra để kích thích sự sáng tạo.

“Hình vuông còn là một tỷ lệ thường dùng trên mạng xã hội, giúp ảnh khi hiển thị không bị mất chi tiết. Riêng với những bài thơ quá dài, tôi chỉ trích lại một đoạn nổi bật để mô phỏng vào thiết kế”, Đăng lý giải thêm.

Đăng mang đến diện mạo mới cho những vần thơ quen thuộc của thế hệ học trò

nvcc

Ở bất kỳ dự án thiết kế nào, tính đồng bộ luôn là điều quan trọng. Tuy nhiên, với “Thơ Việt thời áo trắng”, Đăng chỉ dùng logo làm dấu hiệu nhận diện và thử nghiệm đa dạng phong cách thiết kế như tối giản, 3D, trừu tượng, biến tấu phông chữ... tùy vào đặc điểm bài thơ. Bên cạnh đó, anh cũng chú ý thêm xuất xứ tác phẩm ở góc hình để người xem có thể tìm đọc trọn vẹn tập thơ.

“Mỗi sản phẩm sáng tạo là một nét riêng, và khi người dùng lướt xem nhiều bài thơ ở các phong cách khác nhau, họ sẽ bớt nhàm chán hơn. Quan trọng là trình bày rõ ràng để thoải mái nhất khi xem”, anh nói.

Những vần thơ quen thuộc của thế hệ học trò một lần nữa “sống lại” với diện mạo mới, đầy ý nghĩa

NVCC

Nhờ đầu tư tìm hiểu nội dung và truyền tải trọn vẹn thông điệp vào thiết kế, kể từ khi ra mắt, dự án của Đăng đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút nhiều phản hồi tích cực trong các hội nhóm nghệ thuật.

Tài khoản Ngọc Hân Nguyễn Bùi phải thốt lên: “Trời ơi xịn xò quá, lưu về làm hình nền điện thoại cũng được luôn”. Còn tài khoản Đặng Khánh Duyên công nhận: “Thay đổi về cách thức trình bày giúp độc giả có thể nhìn thấy và hiểu ngay tác phẩm, không hề khô khan hay nhàm chán!”.

Thông qua dự án, Đăng mong có thể khoác “áo mới” cho thơ Việt, truyền cảm hứng học thơ đồng thời cải thiện kỹ năng thiết kế của bản thân

NVCC

Trước “Thơ Việt thời áo trắng”, Đăng cũng từng thực hiện nhiều dự án thiết kế hướng dẫn mọi người cách dùng các phím tắt trong phần mềm đồ họa thông qua những bài hát nổi tiếng, được nhiều bạn trẻ quan tâm và hưởng ứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.