Đến nay Việt Nam có khoảng 10.000 người tâm thần nặng đang được chăm sóc và phục hồi chức năng tại 26 cơ sở bảo trợ xã hội ở 20 tỉnh, thành, và những nghị định của Chính phủ đã giải quyết trợ cấp hằng tháng cho gần 200.000 người tâm thần nặng sinh sống tại gia đình và cộng đồng.
|
Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, các cơ sở xã hội chỉ mới đáp ứng được 5% nhu cầu chăm sóc, phục hồi chức năng của người tâm thần. Những cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần, chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ công tác xã hội.
Đề án 1215 được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến là 8.382 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 3.340 tỉ đồng, các nguồn viện trợ quốc tế khoảng 42 tỉ đồng và các đóng góp khác là 5.000 tỉ đồng.
Đề án đề ra mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; phát triển nhân lực; truyền thông, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, chia sẻ: “Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người rối nhiễu tâm trí tại Việt Nam khoảng 10% dân số, tương đương 9 triệu người, trong đó có hơn 200.000 người tâm thần nặng, có hành vi nguy hiểm. Hội nghị lần này sẽ trao đổi về những kế hoạch triển khai, quy hoạch mạng lưới, thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần và nghe các đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó có những hướng cụ thể trong việc triển khai đề án, gặt hái được thành công!”
Ông Jesper Moller, Phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, nhấn mạnh: “Rối nhiễu tâm trí hiện là vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng. Vì vậy UNICEF đã có nhiều chiến lược hợp tác với các tổ chức phát triển hỗ trợ Chính phủ tìm các giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, chiến lược này rất cần sự chung tay góp sức của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các địa phương thì mới mong đạt được hiệu quả cao. Trong đó, hai tổ chức Y tế và Lao động - Thương binh - Xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện đề án này...".
Diệu Hiền
>> Bài 2: "Khoán trắng" người tâm thần cho bệnh viện
>> Người tâm thần dọa nổ bình gas trong quán ăn
>> Vụ bắt cóc con tin tại trường mầm non: Xử lý hung thủ mắc tâm thần như thế nào?
>> Khủng hoảng tâm lý ở trẻ lên 3
Bình luận (0)