Khoảng 90% loại thực phẩm được tự công bố chất lượng trước khi bán

22/03/2018 07:56 GMT+7

Nhiều quy định mới mang tính “cởi trói” cho danh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý, có tới khoảng 90% loại thực phẩm, doanh nghiệp được tự công bố chất lượng trước khi bán.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên ngày 21.3, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết các quy định thủ tục đã được giản lược theo hướng thông thoáng hơn. Thậm chí, một số loại giấy phép trong lĩnh vực này không còn tồn tại nhưng doanh nghiệp vẫn cất công tìm thủ tục để xin cấp phép.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018 vừa có hiệu lực, có nhiều điểm mới tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu thực phẩm.
90% sản phẩm ra thị trường được tự công bố chất lượng
Khoảng 90% sản phẩm được tự công bố chất lượng trước khi đưa ra thị trường Ảnh Liên Châu
Nghị định 15/2018 quy định 3 nhóm sản phẩm phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, đó là: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do UBND tỉnh chỉ định. Như vậy, ước có đến 90% sản phẩm thực phẩm được tự công bố. Việc giám sát chất lượng thực phẩm sẽ theo phương thức tăng cường hậu kiểm.
Giảm thời gian, thủ tục công bố
Đối với hình thức tự công bố, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ yêu cầu Bản tự công bố an toàn sản phẩm (theo mẫu số 1 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 15/2018) và Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm, mẫu nhãn sản phẩm. Hồ sơ tự công bố được niêm yết tại chính cơ sở và gửi đến cơ quan chức năng do UBND thành phố quy định (dành cho công tác hậu kiểm chất lượng).
Theo quy định tại Nghị định mới, thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày, trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm, như thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để công khai cho người tiêu dùng và các cơ quan có liên quan được biết.
Thêm các trường hợp được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm
Nội dung Nghị định mới cũng bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, bao gồm sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu
Phương thức kiểm tra giảm: trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5 % lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ. Như vậy, có đến 95 % lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Phương thức kiểm tra thông thường: chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.
Phương thức kiểm tra chặt: chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó.
Thời gian kiểm tra chặt cũng được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.
90% sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo
Nghị định mới chỉ quy định các nhóm sản phẩm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại khoản 1 điều 7 của luật Quảng cáo phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do UBND tỉnh giao) trước khi quảng cáo.
Như vậy, có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quản lý thực phẩm sẽ tăng cường hậu kiểm Ảnh Liên Châu
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Nghị định 15/2018/NĐ-CP là một cuộc cách mạng trong quản lý an toàn thực phẩm, bởi nó thay đổi căn bản phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro, quản lý nguy cơ như các nước đã áp dụng.
Đồng thời, các quy định tại mới tại Nghị định này đã "cởi trói" nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo động lực phát triển, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất được đưa sản phẩm ra thị trường ngay sau khi ngay sau khi tự công bố chất lượng.
Ông Long cho biết, những thay đổi về thủ tục hành chính sẽ tiết kiệm về nhân công, chi phí. Ước tính việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính của nghị định giúp tiết kiệm 7,7 triệu ngày công và hơn 3.000 tỉ đồng/năm; thủ tục hành chính giảm từ 90 - 95%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.