Khóc cười với cổ tức

02/05/2014 09:00 GMT+7

Nhiều công ty chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao trong khi không ít công ty, cổ tức chỉ mang tính 'an ủi', thậm chí không chia khiến mùa đại hội cổ đông năm nay diễn ra trong sự 'ghen tị' của các cổ đông.

Nhiều công ty chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao trong khi không ít công ty, cổ tức chỉ mang tính "an ủi", thậm chí không chia khiến mùa đại hội cổ đông năm nay diễn ra trong sự "ghen tị" của các cổ đông.

Cổ tức
Nhà đầu tư chứng khoán luôn kỳ vọng nhận được cổ tức cao - Ảnh: D.Đ.M

Kết thúc đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2014 của CTCP Sữa Việt Nam (VNM), chị Hồng Loan - một cổ đông ngụ tại TP.HCM - cười tươi khi nghe công ty quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 48%/vốn điều lệ, tương đương 4.800 đồng/cổ phiếu (CP), tăng khá cao so với kế hoạch 34% đầu năm. Với 4.000 CP đang sở hữu, chị Hồng Loan sẽ nhận được hơn 19 triệu đồng (trong đó chị đã nhận được hơn 11 triệu, số còn lại sẽ nhận sau đó).

40.000 tỉ đồng cổ tức đã được chia

Nhiều cổ đông Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) cũng phấn khởi khi GAS công bố trả tổng cộng 42%/vốn điều lệ bằng tiền mặt. GAS sẽ chi tổng cộng gần 8.000 tỉ đồng để trả cổ tức năm 2013. Anh Hoàng An - một cổ đông của GAS cho biết với mức cổ tức này, tổng cộng anh sẽ nhận được gần 21 triệu đồng khi đang sở hữu 5.000 CP của GAS. “Tôi luôn đầu tư với mong muốn nhận được cổ tức cao vì không có nhiều thời gian để theo dõi giá CP. Vì vậy, tôi luôn chọn những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất ổn định và tỷ lệ chia cổ tức hằng năm đều cao”, anh An nói.

 

Nếu doanh nghiệp không chia cổ tức hoặc chia cổ tức quá thấp nhiều năm thì cơ cấu cổ đông không ổn định khi không thu hút được những nhà đầu tư mua và nắm giữ CP

TGĐ Công ty chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn

Dù kinh tế khó khăn nhưng năm nay, số lượng các doanh nghiệp chia cổ tức với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ trở lên cũng khá nhiều. Theo ước tính của trang tài chính Vietstock, tính đến nay có gần 40.000 tỉ đồng cổ tức tiền mặt đã được chia trong năm 2013, tăng 59% so với năm 2012 (chưa tính số cổ tức còn lại chưa được thực hiện). Trong số đó có 10 doanh nghiệp lớn trên sàn đã chiếm tỷ lệ trên 60% cổ tức thực trả và dẫn đầu là GAS khi đã thực chi hơn 5.700 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương (CTG), Ngân hàng TMCP Vietcombank (VCB), Ngân hàng TMCP Eximbank (EIB)... dù tỷ lệ cổ tức không cao nhưng số tiền chi ra khá lớn (vì số lượng cổ phiếu nhiều). Thậm chí CTG trong năm 2012 không chia cổ tức nhưng sang năm 2013 đã đưa ra mức chi trả là 10%/vốn điều lệ...

Nỗi buồn không cổ tức

Trong khi nhiều nhà đầu tư phấn khởi với mức cổ tức cao thì có những cổ đông cũng héo hắt trong lòng khi doanh nghiệp họ đầu tư không chia cổ tức. Chị Như - một cổ đông của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NVB) cho biết đã 2 năm qua chị không nhận được cổ tức. Tại ĐHCĐ năm nay, NVB cũng trình cổ đông việc không chia cổ tức dù đạt lợi nhuận sau thuế của 2013 gần 18,5 tỉ đồng. Không bất ngờ vì điều này nhưng nhìn mức cổ tức cao của nhiều công ty, chị Như và khá nhiều cổ đông của NVB không khỏi chạnh lòng. Đó cũng là tâm trạng của các cổ đông Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) khi KBC đã quyết định không chia cổ tức năm 2013 vì muốn giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, bổ sung vốn lưu động...

Những trường hợp không chia cổ tức năm 2013 cũng còn khá nhiều, nhưng đáng thất vọng nhất là những công ty đã công bố việc chia cổ tức từ những năm trước nhưng cứ kéo lùi và cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Chẳng hạn như CTCP Sông Đà 7 (SD7) liên tục xin hoãn thời gian trả cổ tức của năm 2010 và mới nhất là xin kéo đến hết năm 2015. Lý do đưa ra của SD7 là do việc thu hồi vốn, thu hồi công nợ và việc thoái vốn các dự án đầu tư không đạt như kế hoạch khiến công ty chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Cũng với lý do tương tự, CTCP kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) đã dời ngày thanh toán cổ tức năm 2011 và 2012 đến tận tháng 8 năm nay. Theo nhà đầu tư Hoàng An, với những công ty bị lỗ hoặc lợi nhuận thấp nên không chia cổ tức thì nhà đầu tư cũng chỉ chấp nhận trong 1 năm. Nếu kéo dài hơn thì cổ đông sẽ không còn ai mặn mà nắm giữ CP này. Riêng với việc kéo dài thời hạn thanh toán cổ tức chứng tỏ năng lực điều hành của ban giám đốc và hội đồng quản trị doanh nghiệp đó quá kém. Còn theo Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn, cổ tức là một phần thu nhập khá quan trọng trong quyết định đầu tư trên sàn chứng khoán. Tỷ lệ cổ tức như thế nào cũng phản ánh được mức sinh lời của doanh nghiệp sau 1 năm hoạt động. Thậm chí nếu doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao nhưng chỉ chia cổ tức thấp thì phải có lý do chính đáng để thuyết phục được cổ đông. “Cổ tức ngoài là thu nhập thì nó còn góp phần làm tăng giảm giá CP. Nếu cổ tức cao thì thường giá CP sẽ gia tăng và cổ đông được hưởng lợi theo. Còn cổ tức thấp hoặc không có thì giá CP cũng sẽ ở mức thấp. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không chia cổ tức hoặc chia cổ tức quá thấp nhiều năm thì cơ cấu cổ đông không ổn định khi không thu hút được những nhà đầu tư mua và nắm giữ CP”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Mai Phương

>> Nhiều công ty khất nợ cổ tức
>> Đòi chia cổ tức gây náo loạn
>> Đòi cổ tức theo kiểu “xã hội đen”
>> Cổ đông trông cổ tức 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.