Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án 5.495 tỉ đồng (3.500 tỉ đồng vốn ngân sách T.Ư và 2.000 tỉ đồng ngân sách địa phương), vốn nhà đầu tư thu xếp 5.529 tỉ đồng.
Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026, thời gian thu phí và vận hành khai thác là 25 năm 8 tháng. Dự án có tổng chiều dài 60 km, đi qua nhiều huyện của Lạng Sơn, gồm 43 km Hữu Nghị - Chi Lăng được thiết kế quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng 17 m; đoạn kết nối cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km, quy mô 2 làn xe, bề rộng 14,5 m.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là tuyến cuối cùng của cao tốc Bắc - Nam phía đông, nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Huế - TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau. Dự án giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng, nhà nước góp 45% vốn.
Dự án có vai trò quan trọng góp phần kết nối 2 tỉnh Hà Nội - Lạng Sơn và Cao Bằng. Đồng thời đảm bảo mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030 đạt 5.000 km cao tốc.
Tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng sau khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa ASEAN - Trung Quốc và Việt Nam - Trung Quốc, nối 2 vùng kinh tế động lực là đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, mở ra không gian phát triển mới cho 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn; góp phần thực hiện phân cấp phân quyền cho địa phương; thực hiện chủ trương hợp tác công tư.
“Hy vọng với tinh thần, khí thế này, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển tuyến cao tốc theo mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Khi đó sẽ có không gian phát triển mới, kết nối các vùng miền, kết nối Việt Nam với ASEAN, Trung Quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, dự án hoàn thành góp phần giảm tai nạn, ách tắc xảy ra tại nút giao cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với QL1. Đây là đoạn đầu của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khi đi vào hoạt động sẽ cùng với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang triển khai, góp phần đồng bộ mạng lưới cao tốc, kết nối các cửa khẩu lớn phía Bắc đến các trung tâm kinh tế lớn cả nước.
Đặc biệt, dự án sẽ tạo lợi thế quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến kinh tế xuyên Á, cửa ngõ giao lưu với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, nhà thầu đứng đầu liên danh thi công, cho biết liên danh từng tham gia “giải cứu” dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trước đây.
Đại diện liên danh nhà thầu chia sẻ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng còn vướng mắc kéo dài về phương án tài chính do chưa có vốn ngân sách nhà nước tham gia. Việc cắt giảm trạm thu phí, giảm giá vé… dẫn đến doanh thu thực tế rất thấp, chỉ đạt khoảng 32% so với phương án tài chính ban đầu…
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng, liên danh nhà thầu vẫn quyết tâm triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Dự án hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán lưu lượng và doanh thu của tuyến cao tốc “cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay.
Nhân khởi công công trình này, Thủ tướng đánh giá cao Lạng Sơn đã hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025, với việc huy động các nguồn lực với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Thủ tướng nêu rõ, phong trào thi đua này phải mang tính toàn dân, "Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít" để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ nghèo.
Bình luận (0)