Khơi dậy khát vọng cống hiến trong người trẻ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/05/2021 08:42 GMT+7

Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020.

Ngày 11.5, Bộ GD-ĐT và T.Ư Đoàn phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 1501/QĐ-TTg ngày 28.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020.
Hội nghị có sự tham dự của PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Các giá trị chân, thiện, mỹ cần phải được vun đắp, làm mới và cần nhận diện, bổ sung các giá trị mới như: đạo đức số, lối sống số...

PGS-TS NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Tại hội nghị, TS Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã báo cáo về những kết quả đạt được và khó khăn, thách thức trong việc thực hiện công tác này ở giai đoạn hiện nay.
Bà Minh cho biết Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ngành T.Ư tiếp tục xây dựng và trình đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án đúng, trúng và hay

Tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã thống nhất cao với dự thảo báo cáo. Anh Huy đánh giá trong 5 năm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với T.Ư Đoàn và các bộ, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện Quyết định 1501 và đạt kết quả đáng trân trọng. Trong đó, Đoàn thanh niên và các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Một trong những kết quả nổi bật của Đoàn thanh niên là đổi mới phương pháp giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua công cụ hiện đại bắt nhịp tâm tư nguyện vọng, trào lưu, xu hướng mới của thanh thiếu nhi. Đặc biệt, giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng là phương thức giáo dục trung tâm, đạt hiệu quả cao.
“Có thể nói, các phong trào, chương trình đã đáp ứng sát nhu cầu của thanh niên và yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, được thanh niên đón nhận, tham gia tích cực, góp phần phát triển thanh niên toàn diện”, anh Huy nói. Đồng thời, anh Huy thống nhất cao giải pháp Bộ
GD-ĐT nêu ra, trong đó tiếp tục xây dựng đề án mới, với việc bổ sung nội dung nêu cao hoài bão, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), đồng tình với báo cáo tổng kết và đánh giá đây là đề án đúng, trúng và hay. Theo ông Nam, một trong cái hay của đề án là đã đổi mới nội dung phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh thiếu nhi.
“Đây là nội dung hay nhưng khó, cần tiếp tục thực hiện giải pháp mang tính đột phá. Bác Hồ nói chăm sóc cho thiếu nhi là khoa học và nghệ thuật. Trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ chú trọng khoa học nhưng còn xem nhẹ tính nghệ thuật. Chúng tôi vui mừng xuất hiện từ khóa đổi mới, đa dạng, trải nghiệm, sáng tạo… trong công tác này, cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Nam đánh giá.

Cần bổ sung những giá trị mới

Ông Nam cũng đồng ý với việc cần tiếp tục xây dựng đề án giai đoạn 2021 - 2025, trong đó các bộ ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp để đưa ra được các tiêu chí giáo dục toàn diện con người. Cần đưa vào những tiêu chí mới như: bảo vệ môi trường, số hóa... để đạt mục tiêu phát triển toàn diện, vì thế hệ trẻ là công dân toàn cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giáo dục thanh thiếu nhi. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi là vô cùng quan trọng, vì đây là việc dạy làm người.
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng đề án rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Chính phủ trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Ngành giáo dục cũng coi đây là một việc lớn, cần sự phối hợp của tất cả các cơ quan, ban ngành trong cả hiện tại và tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trong nội dung giáo dục, cần nhấn mạnh hơn việc giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ, coi tinh thần tuân thủ thực thi pháp luật là khâu nền tảng trong triển khai giáo dục nội dung khác, vì đây là tiêu chí đầu tiên của một công dân. Ông Sơn cũng cho rằng bên cạnh giáo dục các giá trị truyền thống thì trong thời đại ngày nay, cần nhận diện và kiến tạo giá trị mới.
“Các giá trị chân, thiện, mỹ cần phải được vun đắp làm mới và cần nhận diện, bổ sung các giá trị mới như: đạo đức số, lối sống số... Các giá trị đó phải thể hiện trong hành vi, thấm nhuần trong hành động chứ không chỉ là quy định”, ông Sơn nói.
Nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức, nhân cách con người, ông Sơn cho rằng việc này nhằm tạo dựng những cá nhân sống có ý chí, khát vọng, phát triển lành mạnh, làm căn cứ tiền đề cho một thế hệ giàu khát vọng. “Cá nhân không có ý chí khát vọng thì không đòi hỏi phát triển đất nước được”, ông Sơn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.