Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/03/2021 08:01 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 - 2025).

Nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Nhìn thẳng vào thực tiễn

Sáng 28.3, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021 - 2025).

Phải lên rừng xuống biển để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn của đất nước, của cơ sở, của người dân, tiếp dân, xử lý các kiến nghị. Mọi việc không có sẵn thể chế đâu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Điểm lại một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng nhấn mạnh "đây là kết quả của 35 năm đổi mới chứ không chỉ nhiệm kỳ này".
Thủ tướng thông tin, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP, và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, như việc thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, nhất là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. “Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn. Phân cấp quản lý, liên kết vùng còn hạn chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, phương thức lãnh đạo quản lý xã hội ở nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Biểu hiện cơ chế xin cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm vẫn còn.

"Họp thường vụ suốt mà không có sản phẩm gì thì làm sao được?"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ đề chiến lược phát triển đất nước trong thời gian tới là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhấn mạnh: Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII do Ban Bí thư tổ chức là hội nghị được triển khai đầu tiên, thể hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Thành công của hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy các cấp, là cơ sở quan trọng để các tổ chức Đảng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng nghị quyết.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư và các tổ chức Đảng phải quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại buổi khai mạc hội nghị; những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản, nội dung mới và cốt lõi trong các văn kiện đại hội đã được báo cáo viên truyền đạt; tiếp tục triển khai tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng ở địa phương, đơn vị cho cán bộ, đảng viên chưa được dự hội nghị này theo Hướng dẫn số 3 ngày 18.3.2021 của Ban Tuyên giáo T.Ư hướng dẫn việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ở các cấp, yêu cầu bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ...
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn tới, Thủ tướng cho rằng đây là những lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, bao quát những vấn đề trọng tâm nhất của đất nước, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai. Nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị nông thôn, Thủ tướng nêu đây là những nội hàm quan trọng, lĩnh vực mà chúng ta còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh và cũng là lĩnh vực tạo đột phá trong tăng trưởng.
Thủ tướng cho biết kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư công là 2,75 triệu tỉ đồng, cao hơn giai đoạn trước 15%. Trong giai đoạn tới, sẽ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Phấn đấu đến năm 2030, có 5.000 km cao tốc, các sân bay trọng điểm lớn đều đầu tư hiện đại.
Về phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu, nhưng do chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận nên chưa thành công. “Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này”, ông nói.
Cuối cùng, cho rằng tổ chức thực hiện là quan trọng nhưng luôn là khâu yếu lâu nay, Thủ tướng nhấn mạnh “chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công”, đồng thời không chỉ chính quyền, nhà nước mà cấp ủy cũng phải tổ chức thực hiện.

Tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng phức tạp

Trong chiều 28.3, hội nghị cũng nghe Ủy viên Bộ Chính trị, thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giới thiệu về những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giới thiệu về những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia.
Đánh giá tình hình thế giới, khu vực, ông Phan Văn Giang cho hay tình hình vẫn có những diễn biến căng thẳng phức tạp; đang đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông Giang, đối với vấn đề Biển Đông, chúng ta phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, chiến lược, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn để giải quyết phù hợp các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. "Tất nhiên trong quá trình thực hiện thì có những cái chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế", ông Giang nói.
“Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý cần có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát và đánh giá để thúc đẩy thực hiện, đồng thời chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt trong quá trình thực hiện. “Ông phải lên rừng xuống biển để tháo gỡ trực tiếp những khó khăn của đất nước, của cơ sở, của người dân, tiếp dân, xử lý các kiến nghị. Mọi việc không có sẵn thể chế đâu”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, phải có sản phẩm mới đánh giá được cán bộ tốt hay không. “Hai địa phương có điều kiện giống nhau nhưng có địa phương phát triển mạnh mẽ, cả số lượng, chất lượng sản phẩm, nhưng có địa phương lại không làm được bao nhiêu, cứ vẫn như cũ, không thay đổi, cứ từ từ, cứ họp thường vụ suốt mà không có sản phẩm gì thì làm sao được", Thủ tướng nhắc nhở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.