Vĩnh Lợi vốn là huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng lại có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Điển hình, tại xã Châu Thới có Đền thờ Bác Hồ được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, thể hiện tấm lòng của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu đối với Bác. Cách đó không xa là Tháp cổ Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng), một công trình có giá trị về văn hóa - lịch sử, cũng được công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Tại chùa Hưng Thiện (xã Hưng Hội) có tượng Phật Quan Âm (hay còn gọi là Mẹ Đông Hải) cao hơn 43 m, được xem là tượng Phật Quan Âm cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hành hương, tham quan, du lịch.
Đặc biệt, tại xã Châu Thới còn có chùa Giác Hoa, do bà Huỳnh Thị Ngó (con một điền chủ giàu có ở Bạc Liêu) xây dựng từ năm 1919, được xem là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nhất ở Bạc Liêu lúc bấy giờ. Những năm gần đây, nhà chùa đã được đầu tư thêm nhiều hạng mục trang trí khiến phong cảnh càng thêm đẹp và thơ mộng, thu hút ngày càng đông du khách từ khắp mọi miền đất nước đến chiêm bái, cầu an.
Chùa Giác Hoa nằm gần Quốc lộ 1, trung tâm hành chính huyện và các công trình văn hóa của tỉnh, xung quanh được bao bọc bởi sông Cái Dầy, rạch Xẻo Chích và kênh Xáng Múc. Nhìn từ trên cao, chùa Giác Hoa giống một ốc đảo, xung quanh là thảm lúa vàng, hai bên bờ sông là vườn cây ăn trái xum xuê. Cách chùa khoảng 800 m là ngôi mộ cổ của bà Huỳnh Thị Ngó được xây dựng trên mảnh đất rộng gần 4.000 m2; cạnh đó là điểm du lịch vườn sinh thái với nhiều cây trái và các món ăn đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu trù phú.
Ông Từ Minh Phúc, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lợi, cho biết huyện đã xây dựng đề án phát huy di tích lịch sử, văn hóa chùa Giác Hoa và khu vực phụ cận, biến nơi đây thành khu du lịch trọng điểm, hấp dẫn du khách. “Để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, huyện đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút mọi nguồn lực đầu tư xây dựng bến xe, khu dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ; đồng thời bảo tồn và trồng mới cây dừa nước dọc hai bờ sông Cái Dầy để chống xói lở, tạo cảnh quan đặc trưng của miền sông nước”, ông Từ Minh Phúc chia sẻ.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Lợi cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng và bảo tồn khu vực hang cá bống mú “khủng” ở bờ sông phía trước chùa Giác Hoa; Khuyến khích người dân đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, thủ công mỹ nghệ, trồng các loài hoa quả, làm các loại bánh, món ăn đặc sản; Đầu tư xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng, mở dịch vụ xuồng chèo, tổ chức hội đua thuyền truyền thống để du khách ngắm cảnh sông nước hữu tình của quê hương Vĩnh Lợi... với kỳ vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng trưởng dịch vụ, thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình luận (0)