Khởi động lại nền kinh tế: Khó khăn gấp đôi, quyết tâm gấp ba

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/05/2020 08:22 GMT+7

Tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế với tinh thần 'khó khăn gấp đôi thì quyết tâm gấp ba' là tinh thần được người đứng đầu Chính phủ khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào chiều qua 5.5.

Điểm sáng xuất siêu

Thông tin về phiên họp Chính phủ tại cuộc họp báo chiều tối qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới, nới lỏng những quy định khắt khe về phòng chống dịch và giãn cách xã hội.
Theo ông Dũng, trong 3 tháng qua, cả nước đã tập trung cao độ cho phòng chống dịch và tới nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ, gián đoạn rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh tế và hoạt động xã hội tại nhiều nền kinh tế trên thế giới và cả Việt Nam.
Cách duy nhất là phải chung sức đồng lòng khởi động lại nền kinh tế nhanh nhất, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thông tin tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, ông Dũng cho hay, CPI tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, tuy nhiên CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,9% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất so với giai đoạn 2016 - 2020; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng giảm 9,6%. Theo ông Dũng, điểm sáng duy nhất trong những tháng qua là xuất nhập khẩu, khi tính 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%, trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%, xuất siêu trên 3 tỉ USD.

Phấn đấu tăng trưởng GDP trên 5%

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Dũng thông tin, Thủ tướng Chính phủ kết luận mặc dù còn nhiều khó khăn khi vừa phải phòng chống đại dịch, vừa phải cảnh giác đại dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào thì cách duy nhất là phải chung sức đồng lòng khởi động lại nền kinh tế nhanh nhất, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”. Theo ông Dũng, trong kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%.
Về các giải pháp, Thủ tướng lưu ý sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, bảo vệ quyền lợi người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Sớm trình Chính phủ ban hành nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp, trong đó có nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế, vay trong nước qua phát hành trái phiếu Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác, kể cả từ dự trữ ngoại hối để bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết. Báo cáo Quốc hội, Chính phủ quyết định việc giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, lưu ý miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công, dịch vụ vận tải, logistics... Ông Dũng cũng thông tin, vào ngày 9.5 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ gặp mặt doanh nghiệp (DN) cả nước để động viên, đồng thời công bố một số chính sách, cơ chế hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5.5 Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5.5

Ảnh: Quang Hiếu

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, nhấn mạnh thành công hay thất bại trong tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các cơ quan T.Ư phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang.

Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong thời gian tới, khi các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư, nhất là đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trong đó có Việt Nam là điểm đến thuận lợi.

Điều tra nghi vấn bảo kê, chống lưng cho Đường “Nhuệ”

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Công an có điều tra việc có bảo kê, chống lưng cho băng nhóm Đường “Nhuệ” mà dư luận đặt ra trong thời gian vừa qua hay không, trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định bộ này đang chỉ đạo Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra làm rõ.
Theo ông Quang, từ năm 2010 tới nay, Công an Thái Bình xử lý 20 vụ, 15 đối tượng trong đó có đối tượng có mối quan hệ với bị can Nguyễn Xuân Đường, hay còn gọi là Đường “Nhuệ”, Đường Dương. Tuy nhiên, hoạt động của đối tượng Nguyễn Xuân Đường rất tinh vi. “Phần lớn các vụ việc, đối tượng đã xử thì Đường không ra mặt mà chủ yếu đối tượng khác. Do vậy, không có đủ căn cứ để thực hiện xử lý đối với Đường, và trong quá trình thu thập rất khó khăn”, ông Quang thông tin.
Ông Quang cũng cho biết đây là băng nhóm tội phạm có tổ chức, núp dưới danh nghĩa DN.
“Ở đây đối tượng còn che mắt dưới vỏ bọc doanh nhân thành đạt, có hoạt động từ thiện, thiện nguyện. Phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, lợi dụng là DN, rất xảo quyệt, có nhiều phương thức đối phó cơ quan chức năng, nên rất khó khăn trong việc thu thập chứng cứ”, ông Quang nói. Liên quan tới dư luận có hiện tượng bảo kê, chống lưng cho Đường “Nhuệ” lộng hành tại Thái Bình, ông Quang khẳng định, Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra, mở rộng vụ việc một cách hết sức khách quan, công tâm, đúng pháp luật, với quan điểm xem xét toàn diện, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, làm triệt để, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, song cũng không làm oan người vô tội. Khi có kết quả điều tra sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí.

Giảm 2% lãi suất cho DN nhỏ và vừa

Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự thảo, Chính phủ quyết nghị thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá… Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa.
Đồng thời, cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho các chuyên gia, nhà quản lý DN, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bảo đảm phù hợp các quy định về phòng, chống dịch. Cũng theo dự thảo, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.