1. Lâu lắm rồi tôi không uống rượu. Ông già ấy chết mất rồi. Hôm nay, ông già ấy không còn sống nữa, tôi vẫn muốn uống rượu. Thứ rượu gạn đáy vò, còn thơm mùi cám. Tôi nhớ. Nên tôi ủ mưu. Một mình.
- Thời này làm gì còn rượu gạn đáy vò mà kiếm?
Tôi nhắm mắt, ngửa cổ nhìn trời. Là tôi thử bắt chước lời ông già, mắng mỏ mình đôi câu. Gió u u trong tai. Tôi đợi một cái búng mũi, một cái nhéo tai, một hăm dọa kẻ cả. Gió trắng xóa trước đồng. Không. Hình như không. Gió làm gì có màu. Gió hư vô như men. Lúc đến lúc đi nào ai nắm giữ được. Không là gió thì là khói. Khói trắng, phả ra từ đống rác người ta vun mỗi chiều. Thơm quá. Tôi hít hà cho căng lồng ngực. Thứ mùi được chắt ra từ cây, hăng nồng khó chịu. Nhưng một khi đã vương phải thì khó lòng chối từ. "Cũng như rượu thôi mà, tinh túy của đời cả đó nhóc". Thì tinh túy, nào có dám cãi gì đâu. Vì không cãi được nên cứ lóc cóc mang theo, ngay cả khi mưa tãi ướt ngọn cỏ thì mùi khói vẫn cứ xộc vào mắt vào mũi vào ruột gan nghẹn bứ. Đến rác còn thơm huống chi là rượu. Cái lý của kẻ khát là vậy, luôn kiếm cớ để biện minh. Đã thế kẻ khát ấy lại một mình. Lúc nào cũng một mình. Ông già ấy chết mất rồi, chỉ còn hơi rượu bàng bạc như sương thi thoảng ngồi lại cùng tôi.
Tôi ngồi ở bậc thềm đá xanh, trong khu vườn có ngôi nhà ba gian mái cỏ. Phía bên kia là đồng không. Chỉ có nắng tung hoành với đám cỏ trấu. Tuyệt nhiên tĩnh lặng. Đến chiều nắng vơi, người dân sẽ đổ ra đồng. Lúc đó khói mới được nhen lên, từng đụn, từng đụn cao chất ngất. Khói vươn tận trời xanh, chỗ giao thoa với mây trời còn sót lại đôi khe nắng mỏng. Nắng vẽ khói thành từng viền sáng. Biết đâu ông già ở trong đó, ngạo nghễ nhìn tôi. Là tôi kiếm cớ vầy thôi, để dỗ mình ra đây, một mình với mênh mông khói đồng. Tôi thừa biết ông già không ở trong khói. Ông già ở trong tim.
Khu vườn này có chủ, của một đại gia bất động sản. Một thời là khu du lịch sinh thái ven đô, tấp nập người vào ra. Qua giai đoạn hiếu kỳ nhốn nháo, người thưa dần. Bây giờ thì chỉ có gió, chuột đồng và mèo hoang trú ngụ. Thi thoảng ngợp nỗi trống rỗng tôi lại ra đây, tự mình tìm cách lấp đầy.
Ông già gầy, lêu khêu như cây hóp bị tách ra đứng một mình. Lúc nào cũng chỉ một mình. Thi thoảng tôi gọi ông là ông già Hóp.
Bóng hóp không đủ ngăn nắng nên tôi cứ đầu trần chân đất theo sau, chẳng lụy một che chở nào. Tôi đoán cây hóp chừng một mét bảy, vừa vặn với cây sào hái ổi của mẹ. Ông già nâng chén rượu gạt ngang, cười lơ vơ. "Một mét sáu bảy sáu tám gì đó thôi. Chừ thì chặn hẳn một mét sáu lăm. Anh không hiểu vì sao già thì xương nó co rút lại nhanh vầy nữa. Chẳng bù cho ngày xưa".
Ông già bần thần. Chén rượu trôi qua cổ nhẹ bẫng. Tôi biết ông già nhớ mẹ. Tuổi nào thì cũng nhớ mẹ như nhau cả thôi. Càng già, nỗi nhớ càng đằm hơn bởi nỗi niềm đã được chưng lại đặc quánh.
Tôi ngắm nghía nỗi nhớ của ông già, thấy gió bàng bạc bay qua. Và khói. Khói ngún kín đồng chiều. Cha tôi vẫn thường bảo. Tại cỏ tươi quá đấy. Cỏ càng tươi thì khói càng nặng. Mắt ông già ngân ngấn nước, nhìn xa vào khoảng không. Vô định. Tôi cũng thế. Tôi nhớ cha. Tôi nhắm mắt, hít một hơi thật sâu rồi chầm chậm thở ra. Đó là cách tôi hong khô bạt ngàn ý nghĩ đang như cỏ rối trong đầu.
2. - Cháu ơi, đường này vào làng Hạ đúng không?
Trước mắt tôi, người đàn ông có mái tóc hoa râm, áo sơ mi trắng đã ngả màu, quần âu vải kaki mềm hơi nhăn. Ánh mắt hiền, thân thiện. Giọng miền Trung nằng nặng. Tôi đang chờ xe, đúng chiếc xe ông già vừa xuống. Là xe trung chuyển khách từ các điểm nhỏ ra bến và ngược lại. Ông già chắc vừa từ bến xe vào làng, thấy người thì hỏi đường luôn.
- Đúng rồi bác. Bác đi qua gốc gạo, rẽ trái. Xuôi theo đường đất chừng 500 mét nữa là đến.
Ông già cười cười cảm ơn, chắc đang mải nghĩ gì đó nên khi tôi đã lên hẳn xe mới thấy ông giật mình quay lại nhìn.
- Cháu cũng người làng Hạ à?
Cửa xe đóng vội, đóng luôn tiếng dạ của tôi. Hình như tôi có gật đầu. Qua cửa kính, tôi thấy ông già khoác ba lô lên vai, bước chậm, thi thoảng ngoái đầu lại nhìn loanh quanh. Tôi nhớ cha. Bắt đầu từ phút gặp mắt ông già. Ánh nhìn hiền khô. Có chút hồi hộp len trong ngực, tôi không cắt nghĩa được, mồ hôi bắt đầu vã ra, rịn ướt cả tay. Tối qua, trước bàn thờ, tôi lặng lẽ nhìn cha. Mắt cha hiền co ro. Tôi đã nói chuyện với cha thật lâu. "Cây xoài quả đã lúc lỉu, đung đưa theo gió. Con sợ gió to chút nữa là gãy cành mất". Hạt nước ở mắt cha chảy xuống một phần ba sống mũi. Bữa cúng cơm đầu tiên, ông thầy cúng bảo ảnh thờ của cha như khóc. Ông bảo thay ảnh thờ đi mà anh trai không chịu. "Thôi kệ". Cha vốn dĩ đã kiệm lời huống chi chừ chỉ còn trên di ảnh. Tôi loáng thoáng tiếng cha ho khúc khắc, chiếc áo sơ mi trắng quen thuộc, liêu xiêu bước thấp bước cao. Mùi khói thuốc quyện mùi hương tỏa nồng trong đêm. Tôi thấy lòng ấm lại. "Cha về ha cha?". Tôi nhìn sâu vào đêm. Gió u u bên tai. Tiếng mèo kêu đơn độc. "Con ngủ sớm đây, mai con lại vào thành phố".
Tôi chờ xe ở gốc đa. Và ông già xuất hiện như thế, giống cha tôi như tạc. Tôi hình dung về làng Hạ, doi đất sát cửa sông, chỉ còn hơn mười nóc nhà thôi, tôi đã thuộc nằm lòng từng khuôn mặt. Ông già tìm gì ở đó. Ý nghĩ chằng chịt trong đầu thôi thúc tôi về làng. Mẹ sẽ hỏi bằng ánh mắt dò xét. "Về làm gì? Tao một mình quen rồi". Tôi lại học theo cha, ấm ớ đôi câu vô nghĩa vì chẳng biết trả lời sao cho mẹ hiểu. Về là về thôi. Về nhìn cây xoài lặng im nuôi quả, con chó Vện ngủ gà ngủ gật suốt ngày, mèo nhà bà Lan cứ nửa đêm là sục sạo kêu gào trên mái nhà. Về thắp cho cha cây hương, nhìn trên di ảnh xem hạt nước còn giống hôm qua, nụ cười cha vẫn ấm như thế, ánh mắt cha vẫn dõi theo con như thế. Về nhìn bậc tam cấp, nhớ dáng cha đi ra đi vô, vai gầy, mắt sâu, lúc nào cũng dõi về phía cửa đợi con. Về để nghe mẹ hờn mát. "Trong lòng mi chỉ có mỗi cha, tao có cũng như không". Con nghe mãi thành quen. Đã có lúc con nghĩ, chỉ trẻ con mới dằn dỗi người lớn, chừ còn biết thêm, người lớn cũng muốn dằn dỗi lắm, chỉ là họ có nói ra hay không thôi. Cái khoảng cách mẹ con mình đã xa nay lại càng xa hơn vì không có cha làm cầu nối nữa. Nhưng con vẫn về. Bóng ai như bóng cha, liêu xiêu cuối làng.
- Ông già đó, ổng đến nhà ai vậy mẹ?
- Ông nào, có thấy ông nào đâu.
Mẹ têm trầu, vôi nồng cay mắt tôi. Cái ông già sáng nay đó, ổng hỏi đường vô làng. Tôi mấp máy môi, định tuôn một tràng dài. Mẹ mải quệt trầu, ánh mắt chẳng ăn nhập gì với tôi cả. Luôn thế, bao năm nay, mẹ và tôi chưa bao giờ gặp nhau trong lời nói huống chi là ý nghĩ. Tôi ngãng ra, nhìn lơ vơ phía ngõ. Tôi không muốn kể chuyện gặp ông già sáng nay với mẹ nữa. Nhưng tôi sẽ kể cho cha. Tàn ba tuần hương vẫn chưa hết chuyện. Ông già đó, ngộ lắm cha. Ổng nhìn con một lúc. Nhìn chằm chằm luôn nha. Như này, như này này. Rồi cứ như bị mắc gì vô tóc hay vô chân vô tay gì đó, ổng phải định thần một lúc mới hỏi đường. Cha thấy không, cái kiểu lóng ngóng của cha đó, lúc mải nghĩ ngợi làm thơ mà bị con phá rối đó. Hệt không. Đang mơ mơ màng màng đâu đó, hiện thực nó phang cho phát, tỉnh rụi. Chữ nghĩa rơi đâu mất. Cha phải định thần lại mới biết có đứa con đang nhe nhởn trước mặt. Con tò mò về ông già ghê gớm.
Cha chừ chỉ biết lặng im. Khói thuốc, những cơn ho và cái cười hiểu chuyện sống động trong đầu. Tôi bối rối bẻ đốt ngón tay, hình dung cha đang ở đâu đó, gần lắm. Tôi tin là cha vẫn nhìn thấy tôi. Cơn tò mò lại dắt tôi đi vòng quanh làng Hạ. Cây gạo đã tàn hết hoa, ông già ấy liệu có phân biệt được đâu là gốc gạo mà rẽ. Ông ấy sẽ đi đâu nhỉ, loanh quanh cũng chừng ấy nóc nhà thôi, nhà nào tôi cũng có thể tả tỉ mỉ, chi tiết từng góc một. Tôi vỗ mạnh tay vào trán cho tan mộng mị. Đêm yên tĩnh quá. Gió xô mấy quả xoài đụng vào nhau lộp cộp. Tiếng côn trùng rỉ rả. Mẹ trở mình mệt nhọc. Xe đò ngang qua làng Hạ rớt lại một ông già. Ông già không tìm ai cả. Chỉ có tôi đi tìm.
3. Tôi tìm được gì.
Bây giờ đang mùa thu. Gió hây hẩy ngoài bãi vắng. Tôi ngồi trên bờ đê. Đám cỏ nằm im dưới ụ rơm suốt mùa hè lích rích trở mình. Không chừng đã sinh sôi nảy nở biết bao kiếp cỏ trong đó. Vạn vật đều biến đổi, làng Hạ cũng thế. Cây cầu gỗ bắc qua sông đã biến mất. Đất xô bờ, thu gọn cả lòng sông. Đường qua sông ngắn lại, cây cầu bê tông như dấu gạch ngang lặng lẽ nối hai bờ.
Tôi không nghĩ là mình đang chờ ông già nhưng nếu có một tình cờ nữa, tôi sẽ chủ động bắt chuyện. Tôi ngoảnh lại phía sau. Nắng mỏng, gió nhẹ. Không có sự tình cờ nào cả. Bà Đào đang xổ cỏ nói vọng. "Đã cuối tuần rồi đấy phỏng". Tôi bật cười.
- Chưa đâu bá ơi, con về với cha một hôm.
Bà Đào vẫn cặm cụi rửa cỏ. Nước sông cuốn đi bùn đất, rác rưởi, chỉ còn lại xanh non. Nhìn từng vốc cỏ sạch sẽ thơm tho theo tay bà Đào, tôi thấy lòng dìu dịu. Kê rổ cỏ bên hàng rào, bà Đào cởi nón ngồi cạnh tôi.
- Bà Tấn đã ổn hơn chưa, lâu rồi không thấy ra chòi?
Từ ngày cha đi, mẹ chỉ quanh quẩn trong vườn. Sự lặng lẽ tạc vào mắt, bất động trong dáng ngồi. Bao nhiêu năm chồng vợ bỗng chốc tan biến. Mẹ biết từ đây mẹ một mình. Những đứa con lo sống đời của nó, huống chi, sự dị biệt của mẹ lại đẩy những đứa con ra xa.
- Mẹ con ổn, bá ạ.
Bà Đào thở dài. Khói theo gió quẩn vào bờ.
- Chừ thì có muốn cũng không còn người mà chăm nom nữa. Hồi ông bệnh thì than ngược than xuôi.
Tôi không biết nên tiếp lời bà Đào thế nào cho phải. Làng Hạ nhỏ như lòng bàn tay, chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Đến hũ muối để đâu trong chạn bát hàng xóm còn biết để tìm thì rào thưa sao ngăn nổi những ồn ào của mẹ. Ngay cả trong đám tang cha, cái đám tang lặng lẽ như bao đám tang khác trong làng Hạ thì những ồn ào vẫn cứ cồn lên. Mẹ trút những tức tưởi vào đêm, gió làng Hạ đưa đẩy từng cơn chép miệng. "Ông ấy, đúng là khổ trọn một đời".
Tôi mãi chỉ là đứa trẻ không hiểu chuyện. Anh tôi cũng thế. Những đứa trẻ không được quyền lên tiếng trong câu chuyện của người lớn nhưng lại là nguồn cơn bắt lửa. Anh tôi bỏ làng Hạ ngay từ những xích mích đầu tiên với mẹ. Tuổi mười tám ngang tàng. "Đi để giữ cho trọn đạo làm con". Anh tôi đỏ hoe mắt, khoác ba lô lên vai đi như là trốn chạy. Chẳng ai hiểu được chuyện của cha mẹ mình. Nhưng nước mắt là có thật, lời cay độc là có thật, sự oán thán đổ vỡ là có thật. Cha mẹ không ai chọn rời đi. Chỉ có những đứa con bằng cách này hay cách khác từ bỏ cha mẹ bằng những đòi hỏi ngụy tạo. Sống mãi cũng hết một đời người. Chúng mình đã từng là những đứa con hư, rồi chúng mình lại làm cha, làm mẹ. Tôi đã nhiều lần muốn nói với anh trai tôi thế. Nhưng thôi, tôi có gì ngoài tuổi 30 chằng chịt tiếng thở dài.
- Hôm qua con thấy người lạ vào làng, là ai đó bá?
- Nào có ai đâu. Có thì tối qua ở chòi đã râm ran đưa chuyện rồi.
- Nhưng con chỉ đường cho người ta mà. Một người đàn ông đứng tuổi.
- Hay là thằng Khiêu - bà Đào ngập ngừng - Nó rời làng Hạ dễ cũng 20 năm rồi.
Bà Đào chậm rãi. Nhà nó còn ai nữa đâu. Ngày xưa mẹ nó nấu rượu ngon nức vùng.
4. - Ông già đó… là thế nào?
Đêm nuốt chửng tiếng ngập ngừng của mẹ. Tôi nằm im. Mẹ cũng không gặng hỏi. Ông già đó là thế nào? Tôi vắt tay lên trán. Cái dáng liêu xiêu bước về phía cuối làng, đi là đi vầy thôi, không hò hẹn, không đích đến. Tôi đọc được sự vô định trong mắt. Tính tò mò trỗi dậy. Tôi đi tìm.
Chỉ thấy khói mênh mông trong mắt người đàn ông có tuổi. Người ta ở lại kể cho tôi nghe chuyện làng Hạ.
- Ngày xửa ngày xưa, ngày em chưa sinh, nghĩa là đã từ lâu, lâu lắm rồi…
- Là sao anh, là từ rất lâu rồi, đúng không, anh kể nữa đi, lần nào cũng dền dứ chừng đó chữ.
- Thì anh cũng chỉ biết nhiêu đó thôi. Rằng làng Hạ có cây gạo đỏ. Có nhiều buổi chiều thong thả, con trâu còn biết đường về nhà còn anh thì quên. Anh bị mẹ phạt, úp mặt vô vách. Vách nứa, anh dùng ngón tay khời từng bộng nhỏ, rồi ngoáy cho nó rộng dần ra. Cơ man nào là vết thủng trên vách. Mẹ không còn phạt vầy nữa, mẹ bắt anh đi đưa rượu… Anh thích uống rượu từ buổi đó. Em thấy kỳ không, khoảng chừng lên mười thôi. Đến nhà ai anh cũng mở nút lá chuối. "Bác, bác ơi, mẹ dặn con mang rượu sang cho bác. Rượu vừa chắt, rút cần là mẹ giục con đi để bác dùng cho nóng". Đó, em thấy anh giỏi không. Bán hàng phải vầy chớ. Rồi người ta rủ anh nếm rượu. Rượu nóng hay rượu nguội cũng thơm như nhau cả thôi nhưng uống rượu nóng vào những ngày lạnh, cảm giác nó đã lắm.
-…
- Rồi anh phải xa làng. Mẹ giục anh đi. Đi để kiếm tiền nuôi mẹ, mẹ già rồi, không nấu rượu mãi được. Lời mẹ thắt thẻo, giục giã. Anh đi. Anh bay sang tận Liên Xô. Ngày mẹ mất anh không về được. Anh đã nghĩ, còn ai ở làng Hạ nữa đâu mà về.
-…
- Gần 20 năm sau, anh biết, làng Hạ còn có em.
Đôi lúc, vấp vạt nắng thôi cũng chới với muốn ngã, huống chi lời dịu dàng. Tôi muốn viết tiếp câu chuyện làng Hạ, bắt đầu từ ánh mắt như níu như buộc ấy. Thế mà trong một ngày im gió, ông già bỏ tôi đi mất. "Ngoan nghe nhóc. Người ta chữa được bệnh nhưng không chữa được mệnh".
Trong cơn hấp hối, cha cũng đã từng dặn dò tôi vậy. Rồi cha đi. Từng bụm khói tan vào hư vô trong buổi chiều làng Hạ bàng bạc sương giăng.
5. Tôi trở về với một mình. Khói. Và làng Hạ thăm thẳm trong tim.
Bình luận (0)