Đó là những nội dung được các chuyên gia chia sẻ trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến chủ đề “Chọn ngành học tương lai với nhóm ngành kinh tế - ngân hàng - luật”, do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 21.2. Chương trình phát trực tiếp và phát lại tại kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Nhiều lựa chọn cho thí sinh
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết: “Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2019, thì khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật có chỉ tiêu là 126.473 trên tổng số 489.637 chỉ tiêu của 7 khối ngành. Năm nay dự kiến tăng 10%. Trong khi đó, tổng số nguyện vọng của thí sinh là 822.956. Tỷ lệ chọi bình quân là 6,5, là một trong những khối ngành có tỷ lệ chọi cao nhất. Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển lại rất lớn. Lý do là số trường đào tạo nhóm ngành này rất nhiều, xét tuyển ở tất cả các phương thức, đồng thời tổ hợp môn xét tuyển đa dạng chứ không hẹp như một số nhóm ngành. Điểm trúng tuyển cũng ở mức trung bình khá chứ không quá cao”.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Hải, khối ngành này có rất nhiều ngành nghề để thí sinh lựa chọn, như quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ - du lịch - lữ hành, kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng, marketing, thương mại điện tử, logistics, luật kinh tế, luật dân sự, luật thương mại quốc tế…
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin tại trường, ngành quản trị kinh doanh được lựa chọn nhiều nhất, gồm 6 chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh đó, ngành logistics và quản trị chuỗi cung ứng trong 3 năm qua được rất nhiều thí sinh quan tâm.
Lý giải về việc chỉ tiêu các trường ĐH đào tạo đa ngành dành cho nhóm ngành kinh tế luôn cao bậc nhất, đồng thời thí sinh cũng quan tâm nhiều hơn hẳn so với các khối ngành còn lại, tiến sĩ Dư Ngọc Bích, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng đó là do nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập quốc tế nên kéo theo nhu cầu nhân lực rất cao. Tuy nhiên, để theo đuổi những ngành học này, tiến sĩ Lê Minh Hạnh, điều phối viên ngành tài chính kế toán Trường ĐH Việt Đức, cho rằng phải có tố chất linh hoạt, khả năng dự báo, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, lãnh đạo và thích ứng thay đổi…
|
Trang bị kiến thức liên ngành, cơ hội việc làm sẽ rộng mở
Cũng theo tiến sĩ Dư Ngọc Bích, hầu hết các ngành trong khối kinh tế - đều có cơ hội việc làm cao. Tương tự, những ngành mà nhu cầu nhân lực đang rất cần thuộc khối ngành này phải kể đến logistics và quản trị chuỗi cung ứng, quản trị nhà hàng - khách sạn, du lịch, lữ hành...
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đánh giá: “5 năm trở lại đây, các ngành này thu hút thí sinh vượt trội so với khối ngành khác. Nhu cầu nhân lực chiếm trên 30%, chỉ sau nhóm ngành kỹ thuật. Đối với ngành logistics, hệ thống vận tải giao nhận ở TP.HCM và cả nước phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào việc giao nhận vận chuyển lưu kho bãi… Trong khi đó nhân lực thiếu, phải tuyển từ nhiều ngành nghề khác sang đào tạo lại”.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin thêm: “Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, là một trong những ngành nóng của trường những năm qua”.
Tuy nhiên, do Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập, số lượng người nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam cũng tăng nên để có năng lực cạnh tranh, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng người học phải nỗ lực rất nhiều. “Ngoài kiến thức chuyên môn, doanh nghiệp còn đòi hỏi rất cao về ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Nếu các bạn không trang bị đầy đủ kiến thức liên ngành sẽ thất bại ngay trên sân nhà”, tiến sĩ Võ Thanh Hải nói.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho biết trong khối ngành này, mỗi ngành học sinh viên đều được trang bị kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực gần nhau nên sinh viên tốt nghiệp không chỉ làm việc được trong chuyên môn chính mình học mà còn có thể làm ở những nghề nghiệp liên quan cùng trong khối ngành.
Bình luận (0)