Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Ly kỳ chuyện bại lộ

20/03/2023 06:47 GMT+7

Khá nhiều công trình bàn về nguyên nhân bại lộ của cuộc khởi nghĩa và chưa thống nhất về thời gian bị lộ, người làm lộ… với những câu chuyện ly kỳ, thống thiết. Vậy tài liệu lưu trữ nói gì?

Có tác giả cho rằng: "Quảng Ngãi là trung tâm của phong trào nhưng bị lộ trước, thành ra giặc đã dò ra manh mối. Huỳnh Quang Tri - người phụ trách tài chính quân lương bị bắt. Lập tức tên Công sứ Quảng Ngãi đánh điện tín cho Huế biết và các tỉnh miền nam Trung kỳ đều được lệnh đề phòng của Khâm sứ Trung kỳ".

Tài liệu khác thì cho rằng: Trần Thêm quê làng An Điền, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là viên thư lại khố xanh được biệt phái làm việc tại Tòa Khâm sứ, gia nhập đảng, đảm nhận công tác chiêu dụ lính khố xanh bị bắt, nên cơ mưu bị bại lộ hoặc "một lính khố xanh đã sơ suất nói với bạn câu chuyện khởi nghĩa, tin đó dần lan đến tai tên Án sát Phạm Liệu" nên bại lộ…

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Ly kỳ chuyện bại lộ - Ảnh 1.

Di ảnh cụ Phạm Cao Chẩm - một trong những người lãnh đạo khởi nghĩa tại Quảng Ngãi

Đến nay, có 2 câu chuyện ly kỳ về lý do bại lộ của cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân: Chuyện rằng, Trần Thị Nường (hoặc Nương) là nhân tình của "đại tá Harmandes", lại là cháu gái của Trần Quang Trứ, có anh là Trần Tiễn Hối đang làm Tuần vũ ở Quảng Ngãi. Trứ biết được nguồn tin về kế hoạch khởi nghĩa có Harmandes tham gia, đã vội đi vào Quảng Ngãi báo với anh (tức Trần Tiễn Hối), Hối báo cho Công sứ Pháp biết và đích thân Công sứ chở hai anh em Hối, Trứ ra Huế gặp Khâm sứ Trung kỳ.

Tác giả thuật chuyện này kể: "Không ngờ cho sự quá nông nổi và mê muội của cô Nường, cô lấy việc đó làm đắc chí và hãnh diện, khoe khoang với người thím dâu (vợ của Trần Quang Trứ). Trứ liền tìm mọi cách dỗ ngon dỗ ngọt Nường để được biết rõ đầu đuôi câu chuyện".

Chuyện thứ hai kể rằng: Ngày mùng 2.5, cai khố xanh Võ Cư có tham gia phong trào bị đổi đi Mộ Đức. Trước khi đi, Cư dặn em là Võ Trung nên lánh đi nơi khác, Trung y lời xin phép nghỉ. Viên Án sát Phạm Liệu sinh nghi, vì hắn đã phong thanh biết một phần nào công việc của phong trào, vặn hỏi Trung. Trung sợ hãi đem sự thật nói hết ra. Phạm Liệu liền cấp tốc báo sang bên Tòa Công sứ Quảng Ngãi…

Riêng cụ Phạm Khắc Hòe thuật rằng: "Cuối tháng tư năm 1916 phải đến nơi khác xa Quảng Ngãi, Võ Huệ bày ra một bữa tiệc rượu tiễn anh lên đường. Trong lúc chè chén hào hứng, Võ An đã cho Võ Huệ biết rằng đêm mùng 2.5 sẽ có cuộc biến động lớn và khuyên em ngày ấy xin phép về quê nghỉ để tránh vạ lây. Thế là chiều mùng 1.5.1916, Võ Huệ xin phép viên Án sát Phạm Liệu về thăm nhà. Phạm Liệu đã nghe phong thanh một cuộc vận động cách mạng trong hàng ngũ binh lính, nhưng chưa tìm ra manh mối. Nay tên lính Võ Huệ lại xin phép một cách bất ngờ, nên ông ta sinh nghi, vặn hỏi nọ kia rất nhiều điều, dồn Võ Huệ vào thế bí rồi đe dọa bỏ tù. Cuối cùng, Võ Huệ đã khai rõ những lời căn dặn của Võ An"…

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Ly kỳ chuyện bại lộ - Ảnh 2.

Nhà của cụ Lê Ngung (một trong những người lãnh đạo khởi nghĩa, hiện con cháu đang ở) tại Quảng Ngãi

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Thực ra, trong báo cáo của Công sứ Quảng Ngãi là De Tastes số 199, ngày 14.5.1916, thì sự việc đơn giản hơn rất nhiều: Lúc 19 giờ ngày 2.5.1916, Công sứ Quảng Ngãi là De Tastes cùng Tuần phủ là Trần Tiễn Hối đi tuần du ở huyện Bình Sơn về đến nơi thì Án sát Phạm Liệu cho biết, trong ngày có một người đến báo với ông ta là tên lính Võ Cư quê ở làng Long Phụng khi về nhà đã nói với người ấy rằng, trong ngày mai sẽ có cuộc khởi loạn tại Quảng Ngãi, với sự tham gia của 50 lính khố xanh, trong đó có tên Cai Phú. Hiện Võ Cư đã rời thành Quảng Ngãi để vào đồn Đức Phổ. Lập tức De Tastes phái viên trưởng toán vệ binh là Gaillard lấy ô tô đuổi theo bắt được Võ Cư, đồng thời bắt giữ ngay Cai Phú.

Qua lời khai của Võ Cư thì có 7 người lính tập tham gia quân khởi nghĩa, trong đó có 2 người hiện đang đảm nhận các vị trí quan trọng là Võ Cẩn - binh nhất, cai ngục tòa Công sứ và Trần Thêm - người cần vụ của De Tastes. Hai người này bị bắt ngay sau đó, riêng Trần Thêm đã kịp đốt các giấy tờ ghi danh sách các đồng mưu. Ngay lập tức, De Tastes đã điện báo cho Khâm sứ Trung kỳ tại Huế (bức điện của Khâm sứ Trung kỳ tại hồ sơ 65530).

Như vậy, qua các tài liệu vừa dẫn cho thấy không có chuyện ngày 2.5.1916, Trần Quang Trứ từ Huế vào tìm gặp anh là Tuần phủ Trần Tiễn Hối báo nguồn tin của cô cháu gái Trần Thị Nường, do "đại tá Harmandes" tiết lộ. Bởi vì ngày hôm đó, Công sứ De Tastes và Trần Tiễn Hối cùng đi huyện Bình Sơn.

Dĩ nhiên, cũng không có chuyện Công sứ De Tastes ngay trong ngày 2.5.1916 đã đích thân đưa hai anh em Trần Tiễn Hối - Trần Quang Trứ cùng ra Huế mật báo với Khâm sứ Trung kỳ về kế hoạch khởi nghĩa; cũng không có chuyện hai anh em Võ An, Võ Huệ vì tình riêng mà tiết lộ việc đại sự và câu chuyện "cô Nường" lại càng thêm huyễn hoặc. Hồ sơ lưu trữ cho thấy không có ai trong số những cái tên sau: Huỳnh Quang Tri, Trần Thiềm, hoặc tên Trung… đã tiết lộ cơ mưu như chúng ta từng biết. (còn tiếp) 

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.