Dự án khởi nghiệp bắp nữ hoàng đỏ của Ngọc Anh nhận được giải ba cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2021, do T.Ư Đoàn phát động.
Trồng giống bắp đặc biệt “ăn sống là tốt nhất”, nông dân Ninh Thuận thu lãi gấp đôi |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ninh Thuận, năm 2014, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Ngọc Anh được nhận vào công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật Ninh Thuận.
Ngọc Anh với nông dân trồng bắp nữ hoàng đỏ |
TN |
Theo chuyên ngành được phân công, Ngọc Anh quyết tâm tìm cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, cho năng suất, lợi nhuận cao đưa vào sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân.
Sau thời gian tìm hiểu, Ngọc Anh phát hiện giống bắp tím của Thái Lan mới nhập về Việt Nam có ưu điểm thích nghi với thời tiết nắng nóng như Ninh Thuận; sản phẩm làm ra được người tiêu dùng ưa chuộng nên quyết định sản xuất thử nghiệm trên diện tích 1 sào (1.000 m2) đất canh tác của gia đình. Trong quá trình chăm sóc, Ngọc Anh thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP và thu được 1,4 tấn bắp tươi, bán ra thị trường với giá 35.000 đồng/kg; trừ chi phí đầu tư, thu lãi hơn 16 triệu đồng. So với giống bắp địa phương, nữ hoàng đỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo hạt đến thu hoạch khoảng 60 ngày nên có thể tổ chức sản xuất từ 4 - 5 vụ/năm.
Trong năm 2021, Ngọc Anh tổ chức sản xuất 4 vụ, thu lãi hơn 60 triệu đồng/sào. Cô cho biết nữ hoàng đỏ chịu hạn rất tốt, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn sống ngay sau khi thu hoạch... được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Ngọc Anh đang từng bước hình thành vùng nguyên liệu bắp tươi thương phẩm, thông qua việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân trồng nữ hoàng đỏ tại địa phương. Đến nay, đã có 7 hộ nông dân tham gia mở rộng diện tích hơn 1 ha; giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Theo Ngọc Anh, lý do chọn nữ hoàng đỏ để khởi nghiệp vì nó có giá trị và lợi ích cho cộng đồng rất lớn, như: Tỷ lệ lợi nhuận cao, hơn 30% so với giống bắp nếp ở địa phương; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc đơn giản... Hiện sản phẩm bắp nữ hoàng đỏ của Ngọc Anh đã có mặt ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng và TP.HCM.
Năm 2022, Ngọc Anh hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và từng bước tập huấn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, nhân rộng diện tích lên 5 ha để hình thành vùng nguyên liệu bắp tươi thương phẩm thông qua việc liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Ngoài ra, cô còn nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến, như: Trà thảo mộc, sữa chua nữ hoàng, ngâm rượu, bột bắp sấy lạnh… để hướng đến đa dạng sản phẩm từ giống bắp này.
Bình luận (0)