Thùy Liên (phải) và Quý Anh, những người khởi nghiệp từ trái tim dành cho con trẻ |
Anh Đức |
“Bằng mọi giá phải hạnh phúc”
Người mẹ là Nguyễn Thùy Liên (35 tuổi, trú TP.HCM), cựu sinh viên kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM. Từng khởi nghiệp lần đầu năm 22 tuổi với một công ty về phần mềm, gặp stress trong công việc, cô tìm đến các khóa học về khám phá bản thân, dần dần học sâu hơn về trí thông minh nội tâm (spiritual intelligence).
Ở tuổi 24, Liên lại “đập” hết tiền mừng cưới vào “đứa con tinh thần” thứ 2 với công ty khởi nghiệp Proself chuyên về xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Mọi thứ cứ đều đều trôi đi, con cái cũng ngoan ngoãn, chồng cũng dễ thương, nhưng Liên thấy đó là thứ hạnh phúc an phận.
“Tôi luôn tự ti với những suy nghĩ như mình không giỏi bằng người ta, mình cũng không đẹp, chồng nói yêu thương mình, mình cũng không tin và nghi ngờ. Cuối năm 2017, trong một khoảnh khắc tôi nhận ra tại sao mình luôn đối xử tệ với bản thân mình như thế. Tôi hạ quyết tâm mình phải yêu lại chính mình, bằng mọi giá phải hạnh phúc. Mình không yêu thương bản thân, không thấy hạnh phúc chẳng bao giờ mình yêu thương chồng, con và những người khác được”, Thùy Liên chia sẻ.
Cả hai cùng là "dân" Ngoại thương, yêu thích khởi nghiệp và mong muốn những gì tốt đẹp cho trẻ em |
anh đức |
Cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cũng làm lại từ đầu với sự nghiệp của mình. Bà mẹ 2 con bắt đầu bằng những dự án thông minh nội tâm, quản lý cảm xúc.
Năm 2020, sau bước chuẩn bị kỹ lưỡng, cô khởi nghiệp lần 3 với Self Hiil, học viện huấn luyện trực tuyến về trí thông minh nội tâm. Mọi người sẽ được học trên các phần mềm được thiết kế sẵn, được thực hành, trao đổi, thảo luận. Nhờ tính năng ẩn danh, học viên sẽ không ngại chia sẻ những vấn đề của mình.
Trường nhà hạnh phúc
Mới đây, dự án “Trường nhà hạnh phúc” của Self Hiil do Thùy Liên cùng cộng sự thiết kế được ra mắt, chuyển giao phi lợi nhuận tới nhiều trường học tại TP.HCM và trường học tại thị trấn Dran, H.Đơn Dương, Lâm Đồng.
Hiểu một cách đơn giản đây là chương trình huấn luyện về thông minh nội tâm cho trẻ em, phụ huynh và giáo viên từ cơ bản đến chuyên sâu. Sau các buổi học trực tuyến với phương pháp huấn luyện (coaching), học trò, thầy cô và cả cha mẹ được nuôi dưỡng thêm năng lực sống yêu thương, tự chủ và mạnh mẽ. Khi thầy cô, cha mẹ hạnh phúc, trẻ cũng lớn lên trong tình yêu thương từ nhà đến trường, và từ trường về nhà.
Thùy Liên từng khởi nghiệp lần đầu năm 22 tuổi |
anh đức |
Chị Thùy Liên chia sẻ, “Trường nhà hạnh phúc” là mô hình giúp trẻ em phát triển bản lĩnh nội tâm bền vững. Những đứa trẻ có nội tâm vững vàng sẽ có khả năng thấu hiểu và kết nối với mọi người xung quanh, tự chủ được cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, biết độc lập tư duy, biết giá trị của bản thân và yêu thương bản thân. Trước khó khăn, chúng sẽ tìm cách chứ không than thở….
Bóng hình con
Nhắc đến gia đình Thùy Liên, nhiều người bạn thời ĐH của họ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ. Chồng Liên cũng là “dân” Ngoại thương, họ kết hôn năm 2011 và tới nay đã có 2 bé gái Cà Rem, Cà Na rất đáng yêu. Không khởi nghiệp cùng vợ, nhưng anh chồng luôn luôn là cố vấn, trợ thủ đắc lực.
Mọi bước đi của Thùy Liên đều có bóng hình của 2 con. Từ khi có con, cô học phát triển bản thân sâu hơn để biết yêu thương con đúng cách nhưng cũng khiến các bé tự lập, không bị gò bó. Trước khi con vào lớp 1, cô học thạc sĩ về giáo dục. Cô cũng đi học luôn các môn toán, tiếng Việt lớp 1 để hiểu và biết cách kết nối, rèn luyện con về tư duy, cảm xúc. Những trải nghiệm của người mẹ đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng giải pháp trường nhà hạnh phúc sau này.
Tác giả bài viết cùng Quý Anh (trái) và Thùy Liên |
anh đức |
“Ai rồi cũng sẽ là cha, là mẹ, là phụ huynh của những đứa trẻ. Khi ngày càng nhiều cha mẹ, thầy cô hiểu về thông minh nội tâm, đồng nghĩa với ngày càng nhiều trẻ em được lớn lên trong môi trường đầy tình yêu thương và tôn trọng. Chúng sẽ có nội tâm vững vàng và tự chủ, mạnh mẽ dù phải đối mặt với khó khăn trong cuộc sống”, người khởi nghiệp học viện huấn luyện trực tuyến về trí thông minh nội tâm chia sẻ.
Nghỉ việc thu nhập trăm triệu để khởi nghiệp
Người cùng khởi nghiệp, xây dựng Self Hiil và cùng xây dựng mô hình “Trường nhà hạnh phúc” với Thùy Liên là Phan Quý Anh, 32 tuổi, cũng là cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM. Quý Anh quyết định từ bỏ công việc trong lĩnh vực blockchain cho thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng để khởi nghiệp.
“Ngày nhỏ, có lúc mẹ quên đón tôi vì bận việc khiến tôi cảm thấy mình bị lãng quên, mình không xứng đáng được yêu thương. Nỗi tổn thương sâu sắc ấy cứ theo tới mãi sau này. Nếu ngày ấy mẹ con tôi kết nối với nhau nhiều hơn thì đã khác. Cho tới hôm nay tôi vẫn gặp những đứa trẻ gặp tổn thương y hệt mình ngày trước, người lớn thường nghĩ “trẻ con thì biết gì” và bỏ qua cảm xúc của các em, vô tình để lại trong các em một vết hằn. Tôi khởi nghiệp để nhiều người biết hơn về thông minh nội tâm, để nhiều hơn những em bé được phát triển trong yêu thương, tôn trọng”, Quý Anh chia sẻ.
Một lối đi hẹp đầy chông gai
Thạc sĩ Lý Ngọc Yến Nhi, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở tại TP.HCM người biết Thùy Liên từ lần khởi nghiệp cách đây 10 năm cho hay luôn ấn tượng cả về con người, mô hình kinh doanh của cô.
Thùy Liên luôn trăn trở với khởi nghiệp, luôn tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới để làm sao mang lại lợi ích cho nhiều người nhất, đặc biệt là những nhóm yếu thế hay những đối tượng nhạy cảm, dễ tổn thương nhất trong xã hội.
“Là một người mẹ, tôi có sự đồng cảm với câu chuyện khởi nghiệp đi từ trái tim người mẹ của Liên. Có thể đến nay mô hình “Trường nhà hạnh phúc” hay các lớp học của học viện huấn luyện trí thông minh nội tâm Self Hiil vẫn chưa phải trọn vẹn và tiếp cận đông đảo các bậc phụ huynh nhất, nhưng tôi trân quý sự nghiêm túc, khoa học và tinh thần dám dấn thân của đội ngũ sáng lập. Đây là một lối đi hẹp, nhiều chông gai, vì nó phá vỡ nhiều quan niệm truyền thống, những thói quen trong giáo dục, nuôi dạy con trẻ trước giờ. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại và lắng nghe con nhiều hơn để như một người bạn đồng hành, cùng con khai mở những tiềm năng và tố chất của mỗi đứa trẻ”, thạc sĩ Nhi trao đổi.
Bình luận (0)