Khơi thông 5 ‘điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06

Trần Cường
Trần Cường
10/10/2024 10:17 GMT+7

Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã nhận diện và đang tập trung giải quyết 5 vấn đề được coi là 'điểm nghẽn', là: pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa có chuyến thăm Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) và làm việc với Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), vào chiều 9.10.

Khơi thông 5 ‘điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06- Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc

ẢNH: HỒNG GIANG

Dự buổi làm việc có trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực và đại diện các bộ, ngành là thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, từ khi triển khai Đề án 06 đến nay, Tổ công tác đã duy trì giao ban hàng tháng để đánh giá kết quả thực hiện; tham mưu triển khai 656 nhiệm vụ của Đề án 06 tại 8 chỉ thị, 7 công điện của Thủ tướng Chính phủ và 28 nghị quyết của Chính phủ. Đến nay đã hoàn thành 245 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ.

Quá trình triển khai, Tổ công tác nhận diện "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 thuộc 5 vấn đề để tập trung giải quyết là: pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật, nguồn lực.

Khơi thông 5 ‘điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi làm việc

ẢNH: HỒNG GIANG

Để khơi thông "điểm nghẽn", về pháp lý đã ban hành 2 luật, 7 nghị định, 4 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục thực thi phương án đơn giản hóa đối với 317 thủ tục hành chính quy định tại 65 văn bản quy phạm pháp luật.

Về hạ tầng, hiện 63/63 địa phương, 13/22 bộ, ngành đã hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; 63/63 địa phương, 15/20 bộ ngành hoàn thành kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức cá nhân...

Về dữ liệu, hiện có 18 bộ, ngành và 63/63 địa phương hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Khơi thông 5 ‘điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06- Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi làm việc

ẢNH: HỒNG GIANG

Cạnh đó, Bộ Công an đã tích cực phối hợp, hỗ trợ làm sạch dữ liệu, tạo lập dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương, điển hình như: xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam; làm sạch 34,9/36,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe cho ngành giao thông; số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư cho 19 địa phương với 16,7 triệu dữ liệu hộ tịch.

Đối với nguồn nhân lực, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Công an, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn trực tuyến cho 19.493 cán bộ, công chức, viên chức ngành nội vụ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Bộ TT-TT tổ chức 2 khóa học miễn phí về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn trên môi trường số cho người dân và 2 khóa học về phát triển tổ công nghệ số cộng đồng với 175.589 thành viên tại 22 địa phương tham gia; Bộ Công an đã phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai nền tảng giáo dục trực tuyến đại chúng mở.

Bên cạnh đó, Bộ Công an là Cơ quan thường trực Tổ công tác đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ của đề án; ký kết Kế hoạch phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo lập và làm sạch dữ liệu; triển khai 44 mô hình điểm tại các địa phương, đặc biệt là 19 mô hình tại TP.Hà Nội, qua đó thúc đẩy các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06.

Khơi thông 5 ‘điểm nghẽn’ trong triển khai Đề án 06- Ảnh 4.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc

ẢNH: HỒNG GIANG

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia ý kiến, tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện các quy định về pháp lý nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi đối với các lĩnh vực trong thực hiện Đề án 06; rà soát và bổ sung kịp thời nguồn kinh phí trong thực hiện Đề án 06; đẩy mạnh thí điểm làm bệnh án điện tử cho bệnh nhân…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Đặc biệt, Phó thủ tướng thường trực hoan nghênh Bộ Công an trong điều kiện ban đầu dù khó khăn nhưng đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả trong triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như Đề án 06.

Phó thủ tướng thường trực yêu cầu các bộ, ngành đang được phân công xây dựng, triển khai thông tư, nghị định cần nâng cao trách nhiệm, tích cực triển khai đúng tiến độ, chất lượng phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Bộ TT-TT, Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù, phát huy hiệu quả từ nguồn lực dữ liệu nhằm mang lại nhiều hiệu quả lớn hơn nữa từ triển khai thực hiện Đề án 06, góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.