Khơi thông dòng chảy tín dụng

Mai Phương
Mai Phương
26/02/2024 06:41 GMT+7

"Room" tín dụng năm 2024 đã được giao hết cho các ngân hàng từ đầu năm để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Thế nhưng tăng trưởng tín dụng tháng 1 lại âm, đặt ra thách thức cho cả các nhà băng và doanh nghiệp.

Nhu cầu giảm, điều kiện khó = tín dụng tăng trưởng âm

Trái ngược với mức tăng trưởng cao của tháng 12.2023, tín dụng tháng 1 năm nay giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Tại TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, thậm chí còn giảm mạnh hơn với mức 0,93% trong khi cùng kỳ năm trước mức giảm chỉ là 0,48%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây do tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp (DN) hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó…

Khơi thông dòng chảy tín dụng- Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024

Ngọc Thắng

Nhu cầu vốn yếu là một thực tế. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM, cho biết cuối năm 2023 công ty khánh thành nhà máy cơ khí chính xác tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Hiện mới chỉ bước vào đầu năm, kế hoạch chi tiết vẫn còn bàn bạc nên chưa có nhu cầu vay ngay. Hơn nữa, DN cơ khí đang chờ chính sách cụ thể về hỗ trợ vay vốn theo chương trình kích cầu đầu tư của HĐND TP.HCM về việc hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển KT-XH trên địa bàn thì mới mạnh dạn vay vốn để phát triển trở lại.

Tương tự, xuất khẩu của ngành gỗ trong tháng đầu năm đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng đứng đầu trong các ngành hàng xuất khẩu nhưng ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), đánh giá tình hình chỉ mới khởi sắc lại nên chưa thể quá lạc quan. Trong khi đó, các loại chi phí tăng mạnh như cước tàu biển, phí vận chuyển nội địa… đang gây căng thẳng cho DN xuất khẩu. Nhiều DN vừa và nhỏ vẫn đối diện khó khăn kéo dài từ năm trước nên chưa thể quá lạc quan cho cả năm nay. Vì vậy cho dù NH đã giảm lãi suất nhưng nhiều công ty không thể hấp thụ được vốn, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó có cả việc DN không đủ tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn.

Chẳng hạn gói hỗ trợ tín dụng 15.000 tỉ đồng cho các ngành lâm sản, thủy sản đã được các NH công bố giải ngân hết nhưng nhiều DN không đáp ứng được điều kiện. Nên quan trọng nhất là DN vẫn cần các NH linh hoạt, tạo điều kiện dễ dàng hơn thì mới tăng khả năng vay vốn.

"Ngoài điều kiện vay vốn thông thường, cho vay tín chấp cũng được triển khai nhưng cũng khó. Liệu có giải pháp nào linh hoạt hơn, nhất là đối với DN vừa và nhỏ không? Chẳng hạn như NH mạnh dạn xem xét, cho DN vay tín chấp để các đơn vị sản xuất hàng mẫu cho khách hàng vì có khi số lượng hàng mẫu cũng lên đến vài container. Sau khi có hợp đồng chính thức thì sẽ thế chấp bằng hợp đồng với NH. Hay như các gói tín dụng riêng để DN cải tiến công đoạn sản xuất, chuyển đổi số nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng về tiêu chí môi trường. Khi có vốn thì DN sẽ mạnh dạn và cũng là tiền đề để họ bật lên lại", ông Trần Quốc Mạnh nói.

Đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực ưu tiên

Tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm không quá bất ngờ nhưng đi ngược với mục tiêu thúc đẩy vốn của NHNN khi ngay từ những ngày đầu năm, cơ quan này đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho các NH với mức tăng khoảng 15%. Mới nhất là vào ngày 7.2, NHNN đã có công văn đề nghị các NH quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế.

PGS-TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, đánh giá hệ thống NH vẫn là kênh cung cấp vốn chính cho DN nói riêng và cả nền kinh tế, nhất là khi thị trường trái phiếu vẫn chưa thể hồi phục sau giai đoạn đi xuống. Nhưng ông Sơn thừa nhận để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thực sự là vấn đề khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự đáp ứng của cả hai phía cung và cầu tín dụng, trong đó khả năng hấp thụ vốn từ phía cầu là khá quan trọng.

Ông Sơn đề xuất nên đẩy mạnh đối với các lĩnh vực ưu tiên trong bối cảnh hiện nay, chẳng hạn như bất động sản đối với phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Ví dụ nhà ở xã hội, theo thống kê gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay mới giải ngân được hơn 500 tỉ đồng. Vì vậy cần đẩy nhanh hơn nữa tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai gói tín dụng này, đưa vốn vào nền kinh tế. Về phía các NH, ngoài việc đánh giá khách hàng dựa trên các thông tin "cứng" như tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính thì cũng cần xem xét thêm các thông tin "mềm" như uy tín, lịch sử tín dụng thông qua trao đổi trực tiếp với DN. Từ đó có thể cải thiện thêm cách thức đánh giá tín nhiệm của các NH đối với khách hàng, có thể giúp gia tăng nguồn vốn tín dụng.

Riêng đối với các DN, đây có thể nói là một giai đoạn sàng lọc "tự nhiên" chưa từng có, do vậy cách thức tổ chức hoạt động cũng cần thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, từ đó sẽ cải thiện khả năng tiếp cận vốn của mình trong tương lai. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng NHNN cũng không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cứng (15% trong năm 2024). Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, phụ thuộc vào các yếu tố từ phía cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu... cho nên cần có các điều chỉnh cho phù hợp.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực đánh giá lãi suất đã giảm về mức thấp nhưng cơ bản là sức cầu còn yếu. Do đó để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn, Chính phủ cần tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như đã ban hành; phối hợp chính sách kinh tế, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô…

Tạo môi trường để DN sẵn sàng đầu tư, kinh doanh

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), nhận định trong bối cảnh kinh tế VN, tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt mục tiêu đề ra do nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan. DN rút lui khỏi thị trường nhiều tháng trong năm vừa qua khá lớn và số lượng này cũng tiếp tục diễn ra trong tháng đầu năm 2024. Dù vậy, một số dấu hiệu cho thấy kinh tế sẽ tiếp tục đi lên nhờ tác động của thúc đẩy đầu tư công; các đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại và nguồn vốn giá thấp đang dần dần được đến tay DN. Từ đó có thể thấy nhu cầu vốn của DN sẽ nhiều hơn, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Trong năm nay, dự báo dù còn khó khăn nhưng kinh tế trong nước ổn định và động thái giảm lãi suất từ Mỹ sẽ giúp mặt bằng lãi suất của VN duy trì ở mức thấp cũng là điều kiện để dòng vốn từ NH sẽ được đưa ra nền kinh tế nhiều hơn. Quan trọng hơn, để giúp DN tự tin quay trở lại hoạt động hoặc xem xét tăng đầu tư, mở rộng thì Chính phủ phải quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về thủ tục hành chính như Nghị quyết 02 của Chính phủ đã nêu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh giảm thủ tục, giấy phép, môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ làm giảm nhiều chi phí cho DN.

Điều này khiến DN có niềm tin và sẽ bớt phòng thủ, sẵn sàng đầu tư kinh doanh. Ngoài nhóm các công ty đang hoạt động sẽ giảm được khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn thì nền kinh tế cần các DN quay trở lại hoạt động hay số lượng công ty mới ra đời. Càng nhiều DN phát triển thì nhu cầu vốn sẽ gia tăng, tạo động lực mới đóng góp cho phát triển kinh tế.

"Chính phủ cần xem xét, tạo ra hành lang pháp lý để hệ thống NH thương mại mở rộng hơn cho các dịch vụ tài chính mà không chỉ tập trung vào dịch vụ cho vay truyền thống. Trong đó bao gồm mô hình NH đầu tư để cung cấp vốn cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các chính sách thí điểm (Sandbox). Các chính sách cung cấp vốn đa dạng, phù hợp cho nhiều ngành nghề riêng kể cả chương trình tín dụng xanh. Từ đó mới thật sự đưa vốn vào nền kinh tế có hiệu quả, phát triển lâu dài", ông Việt đề xuất.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội giao. Bởi nhu cầu vốn của DN sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của kinh tế thế giới lẫn thị trường trong nước. Khi thị trường phát triển tốt thì DN sẽ tăng tốc vay vốn, mạnh dạn kinh doanh. Do đó, Chính phủ cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân.

Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tiếp tục phương châm chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống tài chính và liên thông thị trường tài chính - bất động sản. Hay như việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém cũng góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém…

Đối với các NH, có thể xem xét linh hoạt hơn điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN. Bản thân DN cần thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, quan tâm hơn đến cả phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng… hay nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch thông tin.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Nghị quyết 01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cụ thể, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Từ tháng 3, nhu cầu vốn sẽ tăng

Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm sụt giảm cũng chưa phải là vấn đề lớn. Có thể do tăng trưởng tín dụng tháng 12.2023 đã lên cao và sang tháng 1 các DN đã không còn nhu cầu vốn mạnh. Bước sang tháng 2 là nhằm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên tín dụng cũng sẽ chậm lại. Nhưng từ tháng 3 trở đi, nhu cầu vốn sẽ tăng cao khi DN đẩy mạnh hoạt động, nhất là đơn hàng xuất khẩu cũng bắt đầu nhiều hơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với năm 2023 khi nhiều DN thiếu đơn hàng trầm trọng. Hơn nữa, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tín dụng cho cả năm 2024 nên các NH thương mại sẽ tự lên kế hoạch, tìm khách hàng và cung ứng vốn ra thị trường. Ngoài ra, các chính sách về cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền, hợp đồng kinh doanh… cũng đã có nên NH hoàn toàn chủ động, linh hoạt để xem xét cho vay, đưa vốn ra nền kinh tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.