Trượt giá 30% so với dự toán
Triển khai thi công loạt công trình trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như: hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh, dự án PPP Cam Lâm - Vĩnh Hảo... Tập đoàn Đèo Cả đang khốn khổ trong vòng xoáy bão giá nguyên liệu.
Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn Cam Lộ - La Sơn |
Quang Toàn |
Trả lời Thanh Niên, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho biết nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí xây dựng của một dự án. Thời gian qua, giá nguyên vật liệu leo thang, biến động rất mạnh, gây nhiều khó khăn cho đơn vị thi công. Đơn cử, giá xăng dầu khi Đèo Cả đấu thầu công trình chỉ khoảng 15.000 - 16.000 đồng/lít nhưng suốt giai đoạn vừa qua neo ở mức hơn 30.000 đồng/lít. Giá sắt thép cũng đang duy trì từ 18 - 18,4 triệu đồng/tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giá bê tông nhựa tăng từ hơn 200.000 đồng/m2 lên hơn 350.000 đồng/m2 ở thời điểm hiện tại…
So với dự toán ban đầu, đơn giá gói thầu đã trượt giá trung bình 30% trong khi chỉ số bù giá chưa được 10%, cách quá xa so với mức độ đội giá khiến nhiều gói thầu thi công không đạt kết quả như kỳ vọng, thậm chí lỗ. Chưa kể, đầu vào công tác thiết kế hoặc lập dự toán của dự án phải làm trên cơ sở công bố giá của địa phương. Điều chỉnh dự toán cũng trên cơ sở điều chỉnh giá của địa phương. Tuy nhiên, nhiều công bố giá thị trường hoặc bảng giá của địa phương không sát với thực tế giá thị trường. Doanh nghiệp (DN) phải mua vật tư, vật liệu với giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với giá công bố, khiến chi phí thực tế càng đội lên nhiều lần.
Không chỉ đội giá, tiến độ công trình cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Một ngày, công trình cao tốc Bắc - Nam do Đèo Cả thi công cần tiêu thụ 5.000 - 10.000 lít xăng, dầu nhưng nay chỉ được đại lý cấp “cầm hơi” khoảng 2.000 - 3.000 lít/ngày. Các đại lý sắt thép cũng chỉ cung cấp số lượng cầm chừng, trong khi đất cát ở các công trường khu vực phía nam vừa qua khan hiếm khi đồng loạt nhiều nhà thầu thi công đại trà. Máy móc, thiết bị có thể làm tới 10.000 khối/ngày thì nay nằm dài phơi mưa phơi nắng, năng suất giảm tới hơn 1/3.
“Mặc dù chúng tôi là DN có tiềm lực tốt, có sự chuẩn bị, có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn nhưng cũng không thể tránh khỏi những tác động gây ảnh hưởng tới toàn bộ tiến độ công trình cũng như hiệu quả của DN. Về nguyên tắc, Đèo Cả luôn đặt mục tiêu đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhất. Để cam kết rút ngắn tiến độ dự án từ 1 - 3 tháng theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã phải nỗ lực rất lớn, bỏ ra nhiều chi phí hơn để gồng gánh trước những khó khăn này”, lãnh đạo Đèo Cả chia sẻ.
DN này cũng đề xuất nhà nước cần nhanh chóng thông qua cơ chế bù giá cho các nhà thầu để họ có đủ sức sống làm tiếp dự án. Bên cạnh đó, trong công tác khảo sát thiết kế đối với những công trình đặc thù như cao tốc Bắc - Nam. Đồng thời, phải có những điều tra, khảo sát giá phù hợp với yêu cầu và tính chất của công trình để đưa khung bảng giá dự toán khớp với thực tế, hạn chế tối đa rủi ro cho chủ đầu tư và nhà thầu.
Mòn mỏi chờ cơ chế bù trượt giá
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Cienco4 - một trong những đơn vị thi công nhiều gói thầu nhất thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, cho biết các nhà thầu thi công đã kiến nghị nhiều lần lên Bộ GTVT, Bộ Xây dựng sớm áp dụng cơ chế bù trượt giá, cũng như các địa phương phải có báo giá sát với thực tiễn, nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện.
“Các nhà thầu rất nóng ruột, chúng tôi đã tổ chức họp đề nghị kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ. Bản thân Cienco4 cũng đã kiến nghị với Sở Xây dựng Nghệ An, khẳng định công bố giá của tỉnh không phù hợp với cao tốc Bắc - Nam. Tỉnh công bố giá chung cho các dự án thi công khác, nhưng tiêu chuẩn cao tốc Bắc - Nam cao hơn nhiều nên không phù hợp”, ông Thọ nói.
Theo ông Thọ, ước tính trượt giá hiện tại so với dự toán ban đầu của nhiều gói thầu lên tới 25 - 30%. Đơn cử như dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đấu thầu đầu năm 2020 giá nhiên liệu xăng dầu chỉ có 11.000 đồng/lít, nhưng hiện tại đã tăng gấp 3 lần. Nhiều nguyên liệu khác như cấp phối đá dăm, bê tông nhựa dù chưa triển khai nhưng đều đã tăng so với trước đây. “Một số đơn vị cũng đã đứng trước khó khăn phải dừng thi công do “bão giá”. Không chỉ giá vật liệu, mặt bằng, thời tiết bất thường cũng là rào cản tới tiến độ thi công các dự án. Song xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, nên vẫn phải tăng ca kíp, cố gắng đảm bảo tiến độ, chất lượng. Nhưng chúng tôi vẫn mong mỏi được kiến nghị lên Thủ tướng để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN”, ông Thọ nói.
Ngày 29.6, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng VN đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng VN. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội này, biến động giá cả vật liệu quá lớn. Ví dụ như giá thép, nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng hơn 20% (có thời điểm tăng 60%); giá xi măng từ 1.400 đồng/kg (thời điểm quý 4/2020) đến nay tăng 1.980 đồng/kg (chưa kể VAT); giá nhựa đường 11.000 đồng/kg ở thời điểm cuối năm 2020 đến nay tăng 15.000 đồng/kg... Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao và nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá thì việc tăng giá vật liệu đã làm tăng giá thành các gói thầu từ 18 - 30%.
Ông Hiệp cũng dẫn ra ví dụ Tổng công ty Vinaconex (nhà thầu đang thi công gói thầu đường cao tốc Mai Sơn - QL45) ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm ký hợp đồng đã thấy lỗ 46%.
“Giá cả vật liệu biến động mạnh nhưng nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hiện nay hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt các gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam đang lâm vào cảnh khó khăn, nhiều nhà thầu hiện nay không dám nhận các công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật được thị trường”, ông Hiệp nhìn nhận.
Cao tốc Bắc - Nam là công trình quốc gia, chất lượng đòi hỏi cao nhất nhưng giá vật liệu, vật tư lại lấy ở mốc rẻ nhất. Giá thấp nhất nhưng đòi hỏi công trình chất lượng tốt nhất với tiến độ nhanh nhất. Điều này quá khó đối với các chủ đầu tư và nhà thầu.
Ông Phan Văn Thắng (Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả)
Bình luận (0)