Khơi thông 'xương sống' cao tốc Bắc - Nam

11/07/2022 06:27 GMT+7

Hàng loạt cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) đã được Chính phủ khơi thông, tạo đà cho dự án bứt tốc. Bộ GTVT và các địa phương đang rốt ráo đẩy nhanh công tác chuẩn bị để có thể khởi công vào cuối năm 2022.

Dự kiến, tới cuối năm 2025, mạch xương sống Bắc - Nam bằng đường bộ cao tốc sẽ được nối thông theo chiều dài đất nước, từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam

Lê Lang

“Bứt tốc” giai đoạn 2

Ban quản lý dự án 7 - chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang, hiện đã hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án 83,35 km/83,35 km. Trước đó, cuối tháng 6, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã bàn giao 100% cọc mốc GPMB cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cả 3 giai đoạn với chiều dài 21 km...

Tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ có sức lan tỏa rất lớn, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho khu vực

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Bộ GTVT cho biết, báo cáo nghiên cứu khả thi của 12 dự án đã được các cơ quan thuộc bộ hoàn thành trong tháng 6.2022. Tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa 2 vụ trở lên, sẽ tiến hành phê duyệt dự án và tiến hành các bước tiếp theo để lựa chọn nhà thầu, phấn đấu triển khai vào cuối năm 2022.

Tính đến đầu tháng 7, Bộ GTVT đã bàn giao cọc GPMB cho các địa phương 672,5/723,7 km (đạt khoảng 92,9%), các đoạn còn lại sẽ hoàn thành toàn bộ trước khi dự án đầu tư được phê duyệt. Các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng GPMB và tích cực triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm... Dù vậy, để đạt mục tiêu bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng cuối năm 2022 và toàn bộ vào quý 2/2023, theo Bộ GTVT, cần phải đảm bảo triển khai ngay các thủ tục liên quan. Song một số địa phương hiện nay vẫn chưa rõ trong việc chỉ định gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư. Mặt khác, cát xây dựng tại khu vực ĐBSCL rất khan hiếm, ảnh hưởng đến xác định nguồn cung vật liệu.

Nhiều địa phương nằm trong địa phận có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua đang trông ngóng từng ngày kết nối cao tốc để tạo sức bật kinh tế. Trong ảnh: Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Tiền Giang

Bắc Bình

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần chạy qua 12 tỉnh, thành phố gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, với quy mô 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Trước đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (654 km, 11 dự án thành phần) được triển khai thực hiện theo thủ tục, trình tự thông thường, nên thời gian từ lúc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến khởi công dự án mất 2 - 3 năm. Sau khi Quốc hội có chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017, Bộ GTVT tiến hành lập và phê duyệt dự án đầu tư; lập hồ sơ cắm cọc GPMB và tổ chức cắm cọc GPMB. Đến tháng 4.2019, Bộ GTVT bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho các địa phương và đến tháng 9.2020 mới khởi công những gói thầu đầu tiên. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài trung bình từ 17 - 20 tháng.

Từ bài học giai đoạn 1 công tác chuẩn bị mất quá nhiều thời gian, để tạo đà bứt tốc cho giai đoạn 2 theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành cơ chế theo thẩm quyền, cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư (tháng 1.2022), thời gian để Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương khoảng 5 tháng, thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án khoảng 10 tháng. Dự kiến, công tác GPMB sẽ được hoàn tất trong khoảng 1,5 năm. Nếu hoàn thành đúng định biên này, đây có thể xem là dự án trọng điểm quốc gia đột phá nhất về thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư.

Doanh nghiệp, địa phương trông ngóng

Ông D.H, giám đốc một doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa tại TP.HCM chuyên chạy tuyến Nam - Bắc, cho biết thực tế hiện nay tuyến QL1 chưa quá tải. Trừ đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên chất lượng đường có dấu hiệu xuống cấp, các đoạn còn lại không mấy khi xảy ra hiện tượng ùn tắc, trừ khi có sự cố. Nhưng QL1 là đường hỗn hợp, xung quanh có nhà dân và nhiều điểm giao cắt nên các xe vận tải, đặc biệt là xe container vận tải hàng hóa, không thể chạy tối đa tốc độ cho phép. Đồng thời, rủi ro dẫn tới tai nạn giao thông cũng cao hơn chạy trên các tuyến đường cao tốc. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng vận tải trên hành lang Bắc - Nam trung bình khoảng 15%/năm. Mặc dù có rất nhiều dự án nâng cao năng lực vận tải của đường sắt, đường thủy đang được triển khai nhưng đường bộ vẫn là xương sống của hệ thống logistics tại VN. Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam đi qua địa phận 32 tỉnh, thành, kết nối 74% các cảng biển, 75% các khu kinh tế, 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách. Trong đó, hệ thống đường bộ sẽ gánh 65% khối lượng hàng hóa. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách giai đoạn tới sẽ còn tăng mạnh. Vì thế, rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển, tiết giảm chi phí là cách duy nhất để vận tải đường bộ tiếp tục cạnh tranh và nâng cao năng lực.

“Bài toán chi phí đang là nỗi sợ hãi lớn nhất với các DN vận tải. Rất nhiều loại phí, lệ phí phải đóng. Nếu hạ tầng thông suốt, đường sá thuận lợi thì sẽ giúp các DN giảm được phí nhiên liệu vốn chiếm tới 1/3 tổng chi phí, đồng thời tăng hiệu suất sử dụng xe, nâng hiệu quả kinh doanh. Trước đây, 1 xe đầu kéo chạy từ Nam ra Bắc mất khoảng 40 - 50 giờ. Sau khi mở rộng QL1, thời gian giảm xuống 36 - 40 giờ. Nếu phủ cao tốc toàn tuyến dọc hành lang này với vận tốc trung bình 80 km/giờ thì thời gian cho 1 chuyến hàng giảm xuống chỉ còn từ 24 - 28 giờ, tính cả thời gian tài xế nghỉ ngơi. Đường cao tốc thông thoáng, ít giao cắt, tài xế chạy cũng đỡ vất vả hơn nhiều”, ông H. nói.

Không chỉ các DN, nhiều địa phương nằm trong địa phận có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua đang trông ngóng từng ngày kết nối cao tốc để tạo sức bật kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lâm Văn Bi nhìn nhận nếu như ĐBSCL là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của cả nước thì Cà Mau hiện là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông yếu nhất vùng. Trong những năm qua, địa phương đã cố gắng dồn lực triển khai nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông qua địa bàn tỉnh, trong đó có hệ thống quốc lộ đi qua tỉnh gồm QL1, QL63, đường hành lang ven biển phía nam, quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh… Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy rất tốt hiệu quả đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt được còn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương, nguyên nhân chính là do chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao.

“Nếu xét trên toàn hệ thống giao thông hiện nay, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) là dự án “xóa trắng” cao tốc theo hướng trục dọc phía nam của khu vực ĐBSCL. Tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ có sức lan tỏa rất lớn, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho khu vực, trong đó có Cà Mau. Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm cùng với các bộ, ngành thực hiện hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch”, ông Lâm Văn Bi thông tin.

Đòn bẩy đột phá kinh tế

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ và chỉ số kết nối giao thông đường bộ của nước ta lần lượt đứng thứ 103 và 104 trên 141 nền kinh tế trên thế giới tham gia khảo sát, và đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh tổng thể của VN.

Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) giai đoạn 2007 - 2017 cũng cho thấy, nếu chất lượng hạ tầng GTVT VN tăng khoảng 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tăng 24%. Quá trình phát triển hạ tầng GTVT của VN đã được cải thiện thời gian qua nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới còn thua xa. Chỉ riêng chi phí logistics tại VN chiếm 20,8% GDP là mức cao hàng đầu trên thế giới nên DN xuất khẩu kém cạnh tranh. Ước tính, khi chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất khẩu sẽ tăng thị phần lên 5 - 8%. Như vậy, cải thiện hệ thống GTVT sẽ giúp lưu thông hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, khẳng định để phát triển kinh tế, đầu tiên phải chú trọng cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất chính là giao thông. Hàng hóa muốn có giá trị phải từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Trong nhiều loại hình giao thông, đường bộ vẫn là mạng lưới giao thông chủ đạo, cơ động, thiết thực và nhanh nhất, không phải qua trung chuyển như hàng không, đường thủy hay đường sắt. Với địa hình trải dài như VN, tuyến đường bộ Bắc - Nam chính là động mạch của nền kinh tế.

TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh, xã hội càng phát triển, hạ tầng giao thông cũng càng phải nâng lên đáp ứng đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, con người. Trong thời đại cách mạng 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, tốc độ vận tải càng nhanh thì kích hoạt kinh tế phát triển càng nhanh. Đường cao tốc Bắc - Nam ít giao cắt, tốc độ lưu thông lên tới 80 km/giờ là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ tạo đột phá phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, các dự án đầu tư công nhanh chóng giải ngân sẽ tạo đà rất tốt kích hoạt thị trường, thúc đẩy vốn tư nhân cùng xã hội đồng loạt tăng tốc, bật dậy kinh tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Hiện nay đã đưa vào khai thác sử dụng 1.239 km đường bộ cao tốc, như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.700 km, chủ yếu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.