Dự án Làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300 ha. Trong đó, có khoảng 110 ha thuộc Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng), khoảng 190 ha thuộc P.Điện Ngọc (TX.Điện Bàn, Quảng Nam). Nhưng ngót 25 năm qua, dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận TP.Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Minh (68 tuổi, ở khối phố Câu Hà, P.Điện Ngọc, TX.Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết kể từ năm 1997, những người dân trong khu vực quy hoạch “treo” không được lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất; không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa... “Nhà xuống cấp nghiêm trọng cũng không thể tu sửa, hạ tầng kỹ thuật đô thị không được đầu tư, nâng cấp. Nhiều nhà cửa bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm. Không biết dự án còn “treo” đến bao giờ nữa?”, ông Minh ngao ngán.
Dự án Làng ĐH Đà Nẵng cơ bản mới chỉ hoàn thành phần phía TP.Đà Nẵng và “treo” suốt 25 năm nay |
MẠNH CƯỜNG |
Bên cạnh đó, theo báo cáo của UBND TX.Điện Bàn, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch dự án (diện tích gần 5 ha) để “đón lõng” chờ đền bù. Mặc dù chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình hình an ninh nông thôn - đô thị tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra.
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, thừa nhận dự án Làng ĐH Đà Nẵng “treo” hàng chục năm qua đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai của nhân dân. “Việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho toàn bộ 160 ha dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa phận TX.Điện Bàn là không khả thi. Vì vậy, để đảm bảo giải quyết tình hình quản lý hiện trạng, an ninh trật tự tại khu vực, địa phương đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có hướng tháo gỡ”, ông Úc nói.
Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có văn bản báo cáo về tình hình triển khai dự án Làng ĐH Đà Nẵng trên địa phận TX.Điện Bàn gửi Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành liên quan. Qua phân tích, tỉnh Quảng Nam cho rằng việc triển khai thực hiện công tác GPMB dự án cơ bản không khả thi. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực dự án thuộc địa phận Quảng Nam có khoảng 50 ha có khả năng thuận lợi trong công tác GPMB với tổng vốn 333,8 tỉ đồng.
Quan điểm của UBND tỉnh Quảng Nam là ủng hộ tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì, cùng các bộ ngành xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan trong giai đoạn 2023 - 2025 với diện tích 160 ha. Có 1.845 hộ bị ảnh hưởng trong khu vực này, cần đến 3.155 lô tái định cư với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến khoảng 4.164 tỉ đồng. “Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để GPMB toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2.000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50 ha nêu trên. Phần diện tích còn lại, đề nghị loại ra khỏi ranh giới dự án để tỉnh lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực. Đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng ĐH Đà Nẵng”, ông Thanh nêu quan điểm.
Bình luận (0)