Tokyo không đưa ra lý do cụ thể mà chỉ cho biết sẽ theo dõi sát sao xem UNESCO có hoạt động thật sự đúng với tôn chỉ mục đích hay không.
Tuy nhiên, có thể nhận ra nguyên nhân là chính phủ Nhật Bản thể hiện thái độ phản đối việc UNESCO năm ngoái vinh danh những tài liệu của Trung Quốc về trận thảm sát Nam Kinh năm 1937 là Di sản ký ức của nhân loại. Ở đây, Nhật không phản đối UNESCO nói chung mà chỉ phản đối một việc làm cụ thể của tổ chức này và vụ việc mang tính chất lẫn động cơ chính trị rõ ràng. Năm 2011 cũng từng xảy ra chuyện Mỹ tạm ngừng đóng góp sau khi UNESCO kết nạp Palestin làm thành viên chính thức. Với tỷ lệ 9,7%, Nhật Bản là thành viên đóng góp ngân quỹ nhiều thứ hai cho UNESCO sau Mỹ (22%).
Vì thế, quyết định mới của Tokyo sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của UNESCO.
Sau khi không bằng lòng, chính phủ Nhật đã thể hiện cả sự không bằng mặt. Trong nhìn nhận của nước này, UNESCO đứng về phía Trung Quốc trong việc vinh danh những tài liệu về Nam Kinh, tức là đã làm chính trị chứ không phải văn hóa và lịch sử, khiến Tokyo càng thêm khó khăn và khó xử trong quan hệ với Bắc Kinh. Khác biệt trong nhìn nhận bản chất vụ việc và trách nhiệm pháp lý cũng như đạo lý về những gì đã xảy ra ở Nam Kinh là một trong những trở ngại chính cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Nhật Bản phản đối UNESCO chính để nhằm chặn Trung Quốc lấn tới.
Bình luận (0)