Không chỉ là chuyện của một doanh nghiệp

29/05/2024 04:21 GMT+7

Ông bà ta có câu "con sâu làm rầu nồi canh" và trong giao thương quốc tế cũng tương tự, chuyện của một hay một vài doanh nghiệp có thể khiến cho cả vùng trồng, thậm chí ngành hàng xuất khẩu bị liên lụy.

Đơn cử năm 2020, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói của VN do phát hiện 220 lô hàng vi phạm mã số vùng trồng. Đáng nói, tổng số xoài vi phạm chỉ chiếm tỷ lệ 0,5% nhưng khiến cả ngành hàng bị vạ lây. Hồi tháng 3 vừa rồi, Hàn Quốc và Đài Loan cũng siết ớt nhập khẩu từ VN do liên tục không tuân thủ các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật. Ở thời điểm hiện tại, sầu riêng - loại trái cây mang về kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD cho đất nước mỗi năm cũng báo động đỏ về chất lượng. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo nếu chúng ta không kiểm soát thì nguy cơ bị Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN cũng như lớn nhất thế giới về sầu riêng, "tuýt còi" là rất lớn.

Trên thực tế, những chuyện "ta làm hại mình" có mặt ở khắp mọi lĩnh vực, ngành nghề, dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử chuyện một số doanh nghiệp (DN) bán gạo cho nước ngoài với "giá bèo" vì khó khăn tài chính của mình. Tất nhiên, bán giá nào là quyền của DN nhưng việc này cũng có thể làm khó các đơn vị khác khi muốn bán giá cao hơn. Rồi chuyện tranh mua, tranh bán ở ngành điều và kết cục là cùng kéo nhau lao dốc suốt hàng thập niên qua chưa vực dậy nổi... Lãnh đạo một DN xuất khẩu rau quả thừa nhận tình trạng giảm giá bất chấp để cướp khách hàng, đối tác của nhau vẫn tồn tại ở một bộ phận DN nội. Cũng chính vì thế, không hiếm gặp nghịch lý hàng tồn nhiều nhưng chấp nhận bỏ qua các hợp đồng số lượng lớn vì mình làm không nổi nhưng lại không muốn liên kết, chia sẻ cơ hội với DN khác.

Tuy nhiên, khi đã hội nhập thì những hành vi, cách hành xử của một bộ phận nhỏ DN như nói trên không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành hàng hay một vùng trồng mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Chúng ta vẫn nói về sầu riêng Thái Lan, cá hồi Na Uy, nho Nhật, táo Mỹ... chứ đâu cần biết công ty nào sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đó. Người dân các nước nhập khẩu hàng Việt cũng thế, họ chỉ biết cá tra Việt, gạo Việt, nông sản Việt... chứ đâu cần biết những hàng hóa vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mã vùng trồng hay đại hạ giá chỉ là của một hay một vài DN. Vì thế, đã ra thế giới thì đừng bao giờ nghĩ mình muốn bán giá nào là quyền của mình, buôn trót lọt chuyến nào là "ăn" chuyến đó; hớt tay trên khách hàng của đối thủ thì hả hê trong lòng... Sớm hay muộn thì những hành vi này cũng vỡ lở, những DN này cũng bị loại khỏi cuộc chơi. Đó là lý do vì sao hái sầu riêng chưa chín ở Thái Lan có thể bị đi tù hoặc phạt rất nặng. Nhật Bản cho phép các DN tự quản lý chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường nhưng nếu vi phạm có thể phạt tù lên tới 10 năm nên rất hiếm xảy ra vi phạm.

Trở lại với VN, ở thời điểm hiện tại, hàng hóa của chúng ta đã có mặt tại hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ; ngày càng có nhiều DN, ngành hàng xây dựng được thương hiệu, uy tín với đối tác nước ngoài. Đây cũng là cơ sở, cơ hội để nâng cao thu nhập cho người nông dân nuôi - trồng trong nước. Thế nên cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, thái độ ứng xử thiếu chuyên nghiệp để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như hình ảnh hàng Việt trên thị trường thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.